Chị Hường cho biết: "Nuôi dạy những đứa trẻ thời công nghệ, tôi gặp khá nhiều khó khăn, thách thức. Các con của tôi lớn lên cùng công nghệ, thế nên lúc nào rảnh là con dán mắt vào điện thoại, tivi. Mở mắt ra, việc đầu tiên của con là "vồ" lấy điện thoại. Đến bữa ăn, các con ăn vội ăn vàng cho xong bữa để tiếp tục xem những thứ mà mình yêu thích.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ mang đến cho những đứa trẻ. Nhờ có công nghệ, các con tôi giỏi tiếng Anh hơn, vốn hiểu biết về thế giới cũng tăng lên.
Tuy nhiên, công nghệ cũng biến các con tôi thành nghiện game, nghiện mạng xã hội. Vì vừa học vừa "chat" với bạn, vừa học vừa nghĩ đến game nên nhiều lúc, các con học quáng quàng cho xong bài, chứ không học kiểu đào sâu suy nghĩ. Không chỉ làm mất tập trung học, công nghệ còn khiến các con tôi mất kết nối với mọi người xung quanh.
Ngay cả với cha mẹ, các con cũng không có nhu cầu nói chuyện, chia sẻ suy nghĩ của mình. Mỗi lần về quê thăm ông bà, thăm họ hàng, ngoài câu chào ông, chào bà, chào mọi người, thời gian còn lại, các con cũng chỉ "cắm mặt" vào màn hình điện thoại.
Thấy con quá mải mê với điện thoại, nhiều lúc bực quá, tôi đã quát con, thậm chí giằng điện thoại của con. Thế nhưng, sự nóng giận ấy không làm các con sợ. Tôi đã phải thay đổi bằng cách luôn cập nhật công nghệ và kiến thức, tìm ra phương pháp để hỗ trợ con học tập hiệu quả.
Bên cạnh đó, tôi đặt ra giới hạn thời gian dùng điện thoại của các con bằng cách kéo con vào các hoạt động "cùng nhau". Đó là cùng nhau tập thể dục, cùng nhau đi dạo, cùng nhau xem phim, cùng nhau đi thăm họ hàng, cùng nhau bàn luận về một chủ đề nào đó…
Thế nhưng, với tôi, điều khó khăn hơn trong vai trò làm mẹ là đối diện với vấn đề tâm lý của con tuổi dậy thì. Ở lứa tuổi này, con phải trải qua nhiều áp lực, từ việc học hành, từ thầy cô, cha mẹ đến áp lực đồng trang lứa, áp lực phải hoàn hảo.
Có lúc quá áp lực, con đã làm đau bản thân. Đó là giai đoạn mà tôi "chỉ nhìn sắc mặt con mà… sống". Hôm nào con rạng rỡ, vui vẻ, tôi cũng vui lây. Còn hôm nào con ủ rũ thì tôi cảm thấy lo lắng, bất an.
Làm mẹ của những đứa trẻ Gen Z, Gen Alpha, điều lo lắng với tôi là không biết dạy con thế nào để sau này con có thể đáp ứng được công việc trong tương lai. Thực sự, tôi cảm thấy bối rối, không biết định hướng nghề nghiệp cho con thế nào cho đúng.
Tôi cố gắng trang bị các kỹ năng mềm cho con như sự tự lập, kỹ năng tự giải quyết các vấn đề của bản thân, kỹ năng thích ứng... Việc làm mẹ của những đứa trẻ thời nay thật không dễ dàng.
Nếu cứ áp đặt những suy nghĩ của mình lên con thì giữa mẹ và con luôn có khoảng cách lớn. Tôi thường chọn cách đặt mình vào vị trí của con để hiểu, bao dung với con. Tôi đang cố gắng là "người bạn" đồng hành, chia sẻ và lớn lên cùng con".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn