Làm nông nghiệp hữu cơ, lợi nhuận xa vời vợi

08:35 | 23/07/2017;
Bà Nguyễn Thị Thiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Hưng Thịnh, là người phụ nữ hiếm hoi chọn ngành cơ khí để lập nghiệp. Khi đã thành công trong lĩnh vực này, bà lại quyết định “chuyển hướng” sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
“Khi bước chân vào nghề cơ khí, tôi đã gặp quá nhiều thách thức nhưng rồi cũng vượt qua. Bây giờ dấn thân vào nông nghiệp hữu cơ, khó khăn thách thức cũng không ít nhưng tôi đã có nhiều kinh nghiệm và nhất là có niềm tin. Tôi tin lựa chọn của mình là chính xác, dẫu biết làm nông nghiệp hữu cơ, lợi nhuận xa vời vợi...”, bà chia sẻ.

Chuyện bà đến với nông nghiệp hữu cơ khá tình cờ, xuất phát từ sự giúp đỡ một người bạn có cổ đông trong công ty Thái Hưng Thịnh. Thật ra, bà đã dành thời gian để nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ từ nhiều năm trước, chủ yếu tranh thủ những lúc rảnh rỗi trong công việc.

nguyen-thi-thiem.jpg
Bà Nguyễn Thị Thiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Hưng Thịnh


Với bản tính siêng năng và nhạy bén, bà Thiêm đã lần lượt chinh phục một khối lượng kiến thức khá lớn về nông nghiệp hữu cơ và ngay lập tức đưa vào áp dụng trong thực tiễn. “Hiện nay, tôi hướng dẫn nông dân huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) sử dụng men vi sinh để nuôi tôm hữu cơ.

Lâu nay, người dân nuôi tôm tự nhiên quảng canh, cứ thả tôm xuống ao và chờ đến thời gian thu hoạch. Như vậy con mạnh sẽ ăn con yếu, con lớn ăn con nhỏ, số lượng tôm bị hao hụt rất lớn. Thế là tôi tính đến việc dùng phương pháp hữu cơ để nuôi tôm.

Ban đầu, men vi sinh tôi tự nuôi cấy chỉ để tặng bà con. Cà Mau là xứ tôm nên bột tôm khá rẻ. Tôi chỉ cho họ lấy men vi sinh ủ bột tôm làm thức ăn cho tôm. Với nguồn thức ăn bổ sung này, tôm sẽ giảm tỷ lệ hao hụt và lớn nhanh hơn nhiều”, bà kể.

Cũng chính vì nghiên cứu kỹ nên bà hiểu rất rõ về những khó khăn, thách thức khi bước chân vào lĩnh vực còn khá mới mẻ nhưng lại đang được coi là “thời thượng” này: “Làm nông nghiệp hữu cơ là chọn cái rất cực. Người làm việc trong lĩnh vực này lúc nào tay chân người ngợm cũng lấm lem.

Người say mê nông nghiệp hữu cơ lúc nào cũng nghĩ đến phương án, cách thức không giống ai với mong muốn đem đến những sản phẩm sạch nhất, chất lượng cao nhất cho người dùng”, bà Thiêm cho biết.

Nhiều người nói bà có tính “bao đồng”. Bà cũng tự nhận như vậy. Vì thế mà không chịu dừng lại với chỉ một vài “sản phẩm chủ lực”, bà hướng sự quan tâm của mình đến nhiều nhóm sản phẩm khác nhau, thậm chí có khi không liên quan nhiều đến nhau.

Ví dụ, trong khi bà đang nghiên cứu nhân giống một loại khuẩn đỏ có tên là PSB có nguồn gốc từ Nhật Bản, giúp nâng cao chất lượng trứng gà, bà cũng lại nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng cây ăn trái bằng phương pháp hữu cơ.

Bà kể rằng, trong suốt 8 năm “làm quen” với đầu tư nông nghiệp hữu cơ, bà từng trải qua không ít thất bại, như “dự án” nuôi gà H’Mông nhưng sản phẩm bị “ế chỏng ế chơ”, chuyển sang nuôi bò sữa ở Vũng Tàu nhưng không tìm được đầu ra, lại chuyển qua nuôi... vịt trên cạn, để rồi phải đành “dừng bước” vì không kham nổi tiền mua thức ăn...

Thế nhưng, với sự đồng hành của người chồng có cùng chí hướng, bà vẫn kiên quyết dấn thân, theo đuổi đam mê của mình. Hiện bà có một trang trại 17ha ở Bình Phước thực hiện một quy trình nuôi, trồng khép kín với các sản phẩm từ heo, gà, cây ăn trái…

Vợ chồng bà còn triển khai mô hình aquaponics - nuôi cá và lấy nước thải của cá để trồng rau, rồi lấy nước thải của rau quay lại nuôi cá. “Như vậy, chỉ cần làm thức ăn cho một loại con vật là có thể cung cấp cho cả một quy trình chăn nuôi, trồng trọt, có thể thu được nhiều thứ trên cùng hệ sinh thái hữu cơ”, bà hào hứng chia sẻ.

Hy vọng trong tương lai không xa, các sản phẩm thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Thái Hưng Thịnh sẽ trở nên quen thuộc trên thị trường.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn