Làm sao để không còn những cô dâu tảo hôn, những bà mẹ thiếu niên

16:33 | 15/11/2018;
Truyền thông nhóm, diễn tiểu phẩm, hướng dẫn sử dụng bao cao su theo kiểu “trực quan sinh động”, truyền tin trên mạng xã hội facebook… đang là cách mà TP Buôn Ma Thuột triển khai nhằm cung cấp cho vị thành niên, thanh niên những kiến thức đúng, đủ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, tình bạn, tình yêu, tâm lý tuổi dậy thì…

Trong các năm 2016, 2017, tại xã Ea Tu, TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) liên tiếp xảy ra các trường hợp trẻ em gái vị thành niên mang thai ngoài ý muốn. Tại xã, có 2 trường hợp trẻ em gái người dân tộc Êđê 15, 16 tuổi, đang học cấp 3 nhưng do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục… nên các em và bạn trai đã “đi quá giới hạn” dẫn đến việc lỡ dính bầu. Cho đến khi gia đình phát hiện được thì cái thai đã lớn, các em đều phải bỏ học giữa chừng, trở thành cô dâu tảo hôn... Trước đó, tại xã cũng có một số trường hợp trẻ em gái vị thành niên mang thai ngoài ý muốn và các gia đình đã phải lặng lẽ đưa các em đi “xử lý hậu quả’…

1_77408.jpg
Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra ở khu vực Tây Nguyên - Ảnh minh họa

Chị Trần Thu Hà – cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Tu cho biết, đây là địa bàn rộng với hơn 4.000 hộ và trên 17.000 nhân khẩu với nhiều thành phần dân tộc khác nhau và có tới trên 50% đồng bào dân tộc Êđê… Do trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, dân trí thấp cùng với phong tục, tập quán còn lạc hậu, đời sống khó khăn nên trong các gia đình việc cha mẹ dạy dỗ, giáo dục con những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, tình yêu, tình dục… hầu như chưa thực hiện được.

Đa dạng và hiện đại hóa các hình thức truyền thông

Giúp các em có những kiến thức đúng, đủ liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên trên địa bàn, đầu năm 2018 Trung tâm DS-KHHGĐ Thành phố Buôn Mê Thuột đã đề ra 4 mục tiêu: Củng cố, kiện toàn và nhân rộng việc triển khai mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” tại 15/21 phường/xã trên toàn địa bàn thành phố; 100% ban chủ nhiệm câu lạc bộ Tiền hôn nhân được trang bị kiến thức kỹ năng về tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân thông qua các lớp tập huấn; 80% vị thành niên/thanh niên và nam nữ tại các đơn vị được triển khai hiểu biết về tính dục - tình dục, sức khỏe tình dục, phòng tránh xâm hại tình dục, phòng tránh mang thai, phá thai ở tuổi VTN/TN và phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS…; 85% các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn tại các địa bàn triển khai hiểu biết về quyền sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và KHHGĐ, lợi ích của tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân…

a.jpg
 Trung tâm DS-KHHGĐ Thành phố Buôn Mê Thuột trong hoạt động rà soát, đánh giá về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản... 10/2018

Để thực hiện được các mục tiêu, ông Nguyễn Như Hạnh - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Tp Buôn Mê Thuột cho biết: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, tập trung nhân lực, nguồn lực hướng tới sự đa dạng và đổi mới trong truyền thông. Phối hợp với Thành đoàn để tổ chức triển khai các buổi sinh hoạt nhóm, sinh hoạt CLB hấp dẫn, sôi nổi, trẻ trung; Phối hợp với các trường THPT, trường nghề, các xã triển khai mô hình xây dựng kế hoạch, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn trực tiếp cho đối tượng; Hiện đại hóa trong việc cập nhật các thông tin kiến thức mới về Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân lên các trang mạng xã hội như facebook; Lập danh sách quản lý theo dõi chặt chẽ đối tượng VTN/TN và nam, nữ chuẩn bị kết hôn và các cặp có tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn tại đơn vị quản lý;  Định kỳ hàng tháng đưa các thông tin về tư vấn khám sức khỏe trước hôn nhân trên các hệ thống truyền thông đa phương tiện…”.

Kết quả, trong 10 tháng đầu năm 2018, Tp Buôn Ma Thuột đã tập trung xây dựng và củng cố mạng lưới cung cấp thông tin, tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên; Tổ chức ra mắt mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” tại 3 đơn vị phường mới là Phường Khánh Xuân, Phường Tân Hòa, Phường Thành Nhất; Duy trì tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ tiền hôn nhân đều tại 12 phường,xã gồm: Xã Ea Tu, xã Hòa Phú, Phường EaTam, Phường Tân An, Phường Tân Lợi và Phường Tân Tiến, Xã CưeBua, Xã Eakao, Xã Hòa Khánh, Xã Hòa Thắng, Xã Hòa Thuận và Xã Hòa Xuân với thành viên là các em từ 15 đến 19 tuổi, trung bình mỗi CLB có khoảng 35 em, duy trì sinh hoạt đều đặn 4 lần/năm, riêng đợt sinh hoạt trong dịp hè,  tại một số CLB đã thu hút tới gần 100 em...

Riêng CLB tiền hôn nhân ở xã Ea Tu, trong đợt sinh hoạt 6/2018 vừa qua tại xã đã thu hút được trên 200 em học sinh đến sinh hoạt.

e.jpg
Một buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai gây chú ý với các em tại xã Ea Tu...

Các em rất hào hứng khi được xem diễn kịch với tiểu phẩm về phòng tránh thai ngoài ý muốn, về “vẽ đường cho hươu chạy” đúng; Được nghe các báo cáo viên có kinh nghiệm cung cấp các kiến thức về tuổi trẻ, về tình bạn, tình yêu, giới tính, sức khỏe sinh sản; sự thay đổi về thể chất, tâm sinh lý trong giai đoạn dậy thì, tác hại của quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và hậu quả của việc phá thai…  Các em được tham gia vào cuộc chơi hái hoa dân chủ với những món quà tặng là những chiếc hộp có chứa bao cao su và sau khi bóc quà thì sẽ được hướng dẫn cách sử dụng…

 

c.JPG
Một em học sinh mạnh dạn bày tỏ quan điểm về tình bạn khác giới (Ảnh: Tuyết Mai)
d.JPG
Buổi truyền thông giúp các em nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân, rèn luyện các kỹ năng sống tích cực, biết cách phòng tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra... 
f.jpg
Cán bộ dân số tư vấn về sức khỏe sinh sản cho thanh niên trên địa bàn - Ảnh: Võ Thảo

Theo chị Trần Thu Hà – cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Tu: “Hình thức truyền thông tới vị thành niên/thanh niên trên địa bàn thông qua sinh hoạt CLB tiền hôn nhân đang dần trở thành cầu nối giúp các em có điều kiện giao lưu, trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến SKSS, KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS cũng như các vấn đề cần biết trước khi kết hôn... Từ đó có suy nghĩ đúng, hình thành các mối quan hệ lành mạnh, trong sáng về tình bạn, tình yêu và hôn nhân gia đình; nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, tự nguyện chủ động đến cơ sở y tế kiểm tra tình trạng sức khỏe trước khi kết hôn để được phát hiện sớm, điều trị, phòng ngừa các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trước khi lập gia đình, sinh con”.

g.jpg
Gần đây, chị em phụ nữ ở Ea Tu (TP Buôn Mê Thuột) cũng tích cực tham gia sinh hoạt cùng CLB tiền hôn nhân. Thông qua các trò chơi vui nhộn được lồng ghép với chủ đề về SKSS vị thành niên/thanh niên... giúp các chị, các mẹ có được hiểu biết và phương pháp để có thể trò chuyện, nói với con về "chuyện ấy"...

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn