Một người đàn ông tên Lâm ở Hà Nam (Trung Quốc) mới đây phát hiện ra cô con gái 12 tuổi của mình lén lút mua điện thoại di động. Điều đáng sợ hơn nữa là cô bé này đã trò chuyện với người lạ trên mạng với nội dung khiến anh sững sờ.
Người này cho biết, con gái anh năm nay học lớp 6. Một hôm, anh rất ngạc nhiên khi thấy con nghịch điện thoại, hỏi ra mới biết đã lén mua. Tìm hiểu kĩ hơn, anh phát hiện con tham gia "nhóm phong bì đỏ" và được những người trong nhóm chỉ cách kết nối với một số cư dân mạng là nam giới.
Một số trong đó nói với cô bé rằng nếu thích thứ gì cứ nói ra sẽ được đáp ứng, nhưng với điều kiện phải đi cùng một vài người bạn nam. Người này cũng yêu cầu con gái anh Lâm đăng ảnh cơ thể để được nhận tiền. Cô con gái thú nhận mình tham gia vì "trong lớp rất nhiều bạn nữ đều như vậy".
Hiện tại, anh Lâm đã thông báo sự việc này với các phương tiện truyền thông, hy vọng rằng thông qua trải nghiệm của bản thân có thể cảnh tỉnh các bậc cha mẹ khác, đồng thời tự kiểm điểm bản thân trong việc giáo dục con cái. Hành động dứt khoát của ông bố này nhận được lời khen từ cộng đồng mạng.
Có lẽ kiểu hành vi này có thể còn xa lạ với nhiều người, nhưng có một thuật ngữ thường được nhắc đến gần đây: Lạm dụng từ xa. Khái niệm này đề cập đến tội phạm bất hợp pháp sử dụng Internet làm phương tiện để dụ dỗ và ép buộc trẻ vị thành niên tham gia vào "cuộc trò chuyện khỏa thân" hoặc gửi "ảnh khỏa thân" hay "video khỏa thân" dưới chiêu bài "hẹn hò cá nhân" và "tuyển sao nhí".
Loại hành vi này khác với việc quấy rối tình dục truyền thống, nhưng lan truyền mạnh hơn và gây hại rộng hơn. Hơn nữa, phần lớn các em đều là trẻ vị thành niên, nhiều em chưa có ý thức tự bảo vệ mình, dưới sự ép buộc, dụ dỗ của đối phương thường rơi vào bẫy.
Mặc dù không tiếp xúc trực tiếp với cơ thể nạn nhân nhưng phương thức sử dụng Internet để buộc trẻ vị thành niên dưới 14 tuổi gửi ảnh và video đã xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Hành vi này cũng sẽ bị coi là tấn công tình dục.
Thời đại 4.0, việc trẻ giao tiếp với người khác trên Internet đã thành bình thường, cho dù đó là học trực tuyến, dạy kèm từ xa, trò chơi trực tuyến hay nhóm trò chuyện... Là cha mẹ, bạn phải thật sự cảnh giác và hướng dẫn con cách lướt web, kết bạn đúng đắn. Kiểm soát điện thoại di động chỉ là giải pháp tạm thời, không phải nguyên nhân gốc rễ.
1. Cha mẹ cần nhận ra và chấp nhận điều bình thường mới này
Stephen Balkam, người sáng lập và giám đốc điều hành của Viện An toàn Trực tuyến Gia đình (Mỹ), đã làm việc về an toàn xã hội trực tuyến từ giữa những năm 1990, nhớ rằng: 25 năm trước lời khuyên là không nên theo dõi trực tuyến những người lạ. Nhưng giờ đây, hầu như ngày nào bạn cũng có cơ hội "ở chung phòng" với những người lạ trên mạng.
Cũng giống như người lớn, các em cũng sẽ tham gia nhiều hội nhóm lạ như học tập, thể thao, hội cựu học sinh hay tham gia phòng chat diễn đàn nào đó. Vì không thể cách ly trẻ với những người khác trên mạng nên cần phải cùng trẻ chấp nhận thực tế, đối mặt và học cách đối phó với những điều này.
2. Không bao giờ tiết lộ thông tin cá nhân
Khi ở trong phòng chat với người quen, trẻ có thể mất cảnh giác và vô tình để lộ thông tin cá nhân như tên thật, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại, trường học, lớp, bạn bè, nơi thường lui tới, lịch trình thường xuyên, thậm chí cả mật khẩu. Trẻ có thể không coi trọng việc này, nhưng rất có thể có những kẻ lạ mặt với ý định xấu, gây nguy hiểm cho trẻ.
3. Dạy trẻ làm quen với các tùy chọn chức năng của các nền tảng xã hội khác nhau
Rosalind Wiseman, người sáng lập "Cultures of Dignity", một tổ chức giáo dục nhằm thúc đẩy sức khỏe thể chất và tinh thần của những người trẻ tuổi, khuyên các bậc cha mẹ rằng: khi con cái họ bắt đầu sử dụng một nền tảng hoặc nhóm, chúng không chỉ nên học cách vào và kích hoạt tài khoản, mà còn mà còn học cách sử dụng "Thoát", "Tắt tiếng", "Tắt máy ảnh", "Chặn", "Báo cáo" và các chức năng khác. Trẻ sẽ biết tự bảo vệ mình khi gặp sự cố.
4. Đừng bao giờ mất cảnh giác
Michael Rich, giám đốc Trung tâm Truyền thông và Sức khỏe Trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Boston (Mỹ), cho rằng: những người lớn có ác ý biết cách tạo cơ hội để chiếm được lòng tin của trẻ, khiến trẻ hạ thấp khả năng phòng vệ. Cha mẹ nên khuyên trẻ đừng lơ là cảnh giác.
5. Đừng "lạc đề"
Có những lý do và mục đích rõ ràng để trẻ tham gia vào bất kỳ hoạt động và tương tác với những người khác trên Internet. Ví dụ như chơi một trò chơi, học một kỹ năng, tham gia một lớp học, thảo luận về sở thích hoặc chủ đề nào đó... Nếu ai đó lạc đề và nói sang chuyện khác, đặc biệt là chủ đề cá nhân, thì đó là một dấu hiệu cảnh báo.
6. Phạm vi tương tác không nên rời khỏi nền tảng ban đầu
Nếu có người mời thì không được rời khỏi phòng chat ban đầu, đừng nhắn tin riêng, trao đổi tài khoản cá nhân khác.
7. Cha mẹ nên có mặt
Khi trẻ tương tác trực tuyến, cha mẹ cũng nên có mặt đúng lúc, có thể báo cho đối phương biết. Mục đích không chỉ để hiểu đứa trẻ đang tương tác với ai mà còn để những người bên trong biết rằng có người lớn đang xem trên màn hình và không được làm bất cứ điều gì xấu với đứa trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn