Chị Thúy thay đổi nguyện vọng của con không phải do sau khi con biết điểm thi ĐH. Trước đây, chị đăng ký nguyện vọng 1 của con là trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Chị nghe nói sinh viên trường này ra trường không lo thất nghiệp, chưa kể thu nhập khá cao. Thế nhưng, giờ đây, chị quyết định đổi nguyện vọng 1 của con sang ĐH Y Hải Phòng. Lý do là nhà chị có nhiều người làm trong ngành y, rất thuận lợi cho công việc của con sau này.
Chị Thúy cho biết, cậu con trai không có ý kiến gì khi mẹ thay đổi nguyện vọng như vậy. Cậu chỉ biết học và học. Việc chọn trường do mẹ quyết định vì cậu không có niềm đam mê nào. Mẹ bảo thi trường nào thì thi, mẹ định hướng học trường gì thì sẽ học trường đấy, mẹ bảo đổi sang trường khác cũng không phải suy nghĩ, lăn tăn gì.
Trường hợp như con trai chị Thúy không phải hiếm. Nhiều học sinh THPT không biết sau này thi trường gì, không biết có những ngành học nào. Thậm chí, những sinh viên dù học đang học ĐH cũng vô cùng lơ mơ với ngành nghề mình đang học. Với chúng, cứ học đã, ra trường làm gì thì tính sau. Tất cả cũng do chúng không được định hướng nghề nghiệp.
Theo TS Vũ Thu Hương, vấn đề hướng nghiệp cho con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do các cha mẹ hoang mang và lúng túng. Lý do đơn giản: Ai cũng đợi đến khi con lớn rồi mới quan tâm. Khi đó, cả con lẫn bố mẹ đều không biết được phải làm thế nào mới hợp lý mà không bị ân hận sau này.
Theo TS Vũ Thu Hương, để hướng nghiệp cho con, cha mẹ cần:
1. Hướng nghiệp cho con từ hồi con nhỏ xíu. Các cha mẹ đừng đợi con lên THCS rồi mới hỏi: Thế con muốn theo nghề nào? Việc đó sẽ khiến con hoang mang vô cùng. Mọi việc thuộc về hướng nghiệp phải bắt đầu từ khi con còn rất nhỏ.
2. Việc hướng nghiệp cho con ngay từ nhỏ là hãy đặt cho con câu hỏi: Sau này lớn lên, con sẽ làm gì? Để trả lời được câu hỏi đó, hãy cung cấp các dữ liệu cho con bằng cách hướng dẫn con quan sát các ngành nghề khác nhau. Ví dụ: Mẹ đố con biết chú mặc áo bộ đội kia làm công việc gì?
3. Cho con tập làm các công việc dưới dạng đơn giản. Ví dụ: Khi con đang quét nhà, các cha mẹ có thể hỏi con: Chổi của con có giống chổi của bác lao công quét ngoài phố không? Tại sao chổi lại khác nhau? Theo con, các bác ấy quét phố có mệt không? Có cách gì quét nhanh hơn? Nếu có điều kiện, các cha mẹ cho con vào một cơ quan nào đó để làm việc thử cho quen như: Gấp giấy tại xưởng giấy, bê cát tại các địa điểm xây dựng nhỏ…. Việc này sẽ giúp con hình dung rất rõ ràng về các công việc trong xã hội và con sẽ định hình suy nghĩ về khả năng và sở thích của mình.
4. Ghi nhận sự cố gắng của con bằng các lời khen tích cực. Con nhà tôi khi nhỏ rất giỏi trong việc chăm sóc chó mèo. Mẹ thì thấy khoái lắm nên đem việc đó đi khoe với ông bà ngoại và con nghe thấy. Điều đó đã gợi ý cho con nảy sinh những suy nghĩ cụ thể và rõ ràng về nghề nghiệp chăm sóc sinh vật. Đến nay, con hoàn toàn tin rằng mình có thể theo đuổi nghề nghiệp đó mà không gặp quá nhiều khó khăn. (Con đã có hướng theo nghề thú y từ hồi học THCS). Sau này, dù con không theo ngành nghề đó nhưng với vốn hiểu biết và sự quan tâm này con vẫn có để có thể dễ dàng chọn hướng đi phù hợp với mình.
5. Hướng dẫn con đọc và phân tích tin tức. Đây là cách thức rất hay để con khám phá thêm về các nghề nghiệp khác. Trong đó, hướng dẫn con đánh giá điểm hay và dở trong phần tin, những gì nên học tập và những gì không nên quan tâm. Con sẽ để ý hơn đến thế giới xung quanh, từ đó tầm quan sát và học hỏi của con cũng tăng lên.
6. Hướng dẫn con khám phá bản thân. Tìm điểm mạnh yếu từ chính mình là điều mà ai cũng phải làm nhưng hầu như bố mẹ không để ý. Các con cần những giờ tự vấn lương tâm 1 tuần hoặc 1 tháng/lần. Chính từ việc này, con sẽ biết nghề tương lai có hợp với mình không hay phải chọn lại.
7. Liên tục yêu cầu con suy nghĩ nghiêm túc về nghề nghiệp cá nhân từ khi con nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Đặt vấn đề nghiêm túc thì trẻ cũng sẽ thực hiện nghiêm túc. Vì thế, cha mẹ đừng đùa cợt khi làm việc này.
8. Trân trọng mọi nghề nghiệp con chọn và đừng sốt ruột. Mỗi cháu nhỏ sẽ đưa ra vài nghề dự kiến từ nhỏ đến lớn. Sau mỗi trải nghiệm các cháu sẽ rút ra được kinh nghiệm và biết nên làm nghề đó hay là không. Vì thế, nếu con có bốc đồng phát biểu là: con thích làm tổng thống, thì cha mẹ cũng đừng cười hoặc sốt ruột. Con sẽ suy nghĩ và điều chỉnh sau nhé.
Lựa chọn nghề nghiệp là việc của từng người. Việc này cần có thời gian cân nhắc và suy xét lâu dài. Vì thế, các phụ huynh hãy nghiêm túc đặt vấn đề, kiên nhẫn quan sát và trợ giúp con đúng lúc.