“Tôi cảm thấy mình không quan trọng với bất kỳ ai”
“Tôi cảm thấy như mình không thực sự tồn tại"
“Tôi cảm thấy cô đơn với chính mình”
“Tôi cảm thấy như mình không có bất kỳ mối quan hệ ý nghĩa nào”
“Tôi cảm thấy như mình không có ai để kể tin vui của mình”
“Tôi cảm thấy cô đơn mặc dù xung quanh có rất nhiều người”
“Tôi luôn cảm thấy chẳng ai hiểu được mình và luôn cảm thấy cô đơn”
Bạn đã bao giờ có những suy nghĩ như thế này chưa?
Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), cô đơn là sự khó chịu về nhận thức hoặc cảm giác không thoải mái khi ở một mình hoặc cảm thấy chỉ có một mình mình. Đây là một sự đau khổ về cảm xúc mà chúng ta cảm thấy khi nhu cầu thân mật và đồng hành vốn có của chúng ta không được đáp ứng.
Richard Weissbourd, Giám đốc khoa Tâm lý và Phát triển con người tại Trường Harvard, nói rằng sự cô đơn là một định nghĩa chung chung, và nó không thể được gọi mô tả chính xác. Ví dụ, một người mới làm cha mẹ phải chăm sóc con cái của họ cả ngày và đang tìm kiếm sự kết nối với người khác có thể là một loại cô đơn hoàn toàn khác với một sinh viên năm nhất đại học phải xa nhà và chuyển đến thành phố xa lạ.
Cô đơn là một nỗi đau tinh thần do thiếu các mối quan hệ hài hòa, hoặc ít nhất là nhận thức về việc thiếu các mối quan hệ. Điều này có nghĩa là bạn không nhất thiết phải ở một mình mới cảm thấy cô đơn. Cảm giác cô đơn có thể nảy sinh ngay cả khi xung quanh bạn có rất nhiều người. Tuy nhiên, việc ở một mình hoặc xa cách những người thân yêu có thể tạo ra cảm giác cô đơn hoặc thậm chí làm tình trạng trầm trọng thêm.
Cô đơn phản ánh sự vắng mặt của việc kết nối, không phải sự vắng mắt của mọi người. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể cảm thấy cô đơn khi ở trong một đám đông. Trên thực tế, ở trong đám đông có thể khiến chúng ta dễ cảm thấy cô đơn hơn nếu chúng ta không thể kết nối với những người xung quanh.
Nguyên nhân của sự cô đơn bao gồm những thay đổi trong cuộc sống dẫn đến sự cô lập với xã hội, chẳng hạn như chuyển đến một nơi ở mới, đau buồn về cái chết hoặc kết thúc một mối quan hệ. Trong một số trường hợp, sự cô đơn có liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu.
Cô đơn hiện sinh là một phần không thể tránh khỏi trong trải nghiệm của con người. Tuy nhiên, sự cô đơn này có xu hướng khơi dậy những cảm giác tiêu cực, và mặc dù những cảm giác đó có thể hữu ích trong việc khám phá bản thân, nhưng chúng cũng là điều mà chúng ta muốn tránh càng nhiều càng tốt.
Cô đơn về cảm xúc là cảm giác bạn thiếu các mối quan hệ hoặc sự gắn bó. Ví dụ, bạn có thể trải qua cảm giác cô đơn khi mọi người trong nhóm của bạn đều có người yêu, còn bạn thì không.
Cô đơn xã hội xảy ra khi bạn không cảm thấy mình thuộc về một nhóm nào ngoài chính mình. Bạn thậm chí có thể cảm thấy cô đơn trong xã hội khi đang có mối quan hệ tình cảm với người bạn đời mà bạn trân trọng. Nếu bạn không cảm thấy sự hiện diện của mình được đánh giá cao trong một phạm vi rộng lớn hơn, bạn có thể cảm thấy cô đơn trong xã hội.
Cô đơn thoáng qua là một cảm giác cô đơn thoáng qua và hầu như ai cũng từng trải qua ít nhất một lần.
Cô đơn mãn tính là cảm giác cô đơn kéo dài. Trong khoảng hơn 2 năm, bạn luôn cảm thấy bị ngắt kết nối và không có cảm giác thân thuộc.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự cô đơn không chỉ gây đau đớn về mặt xã hội mà còn có hại cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của chúng ta. Không có gì ngạc nhiên khi sự cô đơn có liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn tâm trạng như trầm cảm, lo âu cũng như căng thẳng và các vấn đề về giấc ngủ.
Sự cô đơn cũng ảnh hưởng đến thể chất, làm tăng nguy cơ cao huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.
Về bản chất, con người là sinh vật xã hội khao khát tương tác với người khác, không có nó, sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của chúng ta có thể xấu đi đáng kể.
Cho dù bạn thỉnh thoảng cảm thấy hơi cô đơn khi ở nhà một mình hay bạn trải qua cảm giác cô đơn sâu sắc không bao giờ biến mất, thì điều quan trọng là bạn phải giải quyết nỗi cô đơn theo cách lành mạnh. Dưới đây là những cách giúp bạn có thể ngăn chặn sự cô đơn hoặc vượt qua cảm giác cô đơn:
1. Thừa nhận cảm giác của bạn.
Mặc dù cảm giác cô đơn có thể đáng báo động, nhưng chúng là tín hiệu để bạn hành động. Giống như cơn khát là tín hiệu cho thấy bạn cần uống nhiều nước hơn, thì sự cô đơn cho thấy bạn cần kết nối với mọi người nhiều hơn.
2. Thực hành lòng biết ơn
Bạn có thể dành một chút thời gian mỗi ngày để nghĩ về 3 điều bạn biết ơn trong cuộc sống này, dù là lớn hay nhỏ. Thói quen hàng ngày này có thể giúp bạn loại bỏ sự bi quan và những suy nghĩ tiêu cực có thể liên quan đến cảm giác cô đơn.
3. Dành thời gian cho gia đình và bạn bè
Hãy dành thời gian để nuôi dưỡng các mối quan hệ hiện có của bạn và chủ động về điều đó. Đừng ngại nhấc điện thoại để liên lạc với một người bạn hay lên kế hoạch họp mặt gia đình vào cuối tuần.
4. Sáng tạo
Cho dù bạn thích vẽ, đánh đàn, nhảy nhót hay bất cứ bộ môn nghệ thuật nào khác, hãy tìm đến nó để giảm cảm giác cô đơn. Nghệ thuật có thể giúp chúng ta bộc lộ cảm xúc bên trong và cải thiện tâm trạng, chống lại căng thẳng cũng như củng cố lòng tự trọng.
5. Theo đuổi sở thích
Dành thời gian cho những hoạt động mà bạn yêu thích là một hình thức chăm sóc bản thân tuyệt vời. Sở thích khơi dậy niềm đam mê của bạn và có thể giúp bạn tạo dựng thêm các mối quan hệ mới.
6. Hãy ra ngoài vận động
Cho dù là đi dạo hay đi bộ đường dài, hãy ra ngoài và vận động. Hoạt động thể chất giúp thúc đẩy tâm trạng, xua tan hoặc ít nhất là làm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực trong bạn.
7. Tử tế với người khác
Hành động tử tế giúp giảm bớt sự cô đơn và thúc đẩy kết nối xã hội. Tử tế là điều mà ai cũng có thể làm được.
8. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Luôn có sẵn nguồn lực dành cho bạn, cho dù là chọn tâm sự với người thân hay đăng ký trị liệu hoặc tham gia một buổi tư vấn cá nhân. Trò chuyện với người khác có thể giúp bạn giải tỏa nỗi lòng và giảm bớt sự cô đơn trong lòng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn