Nhiều người trẻ từng đặt mục tiêu tiết kiệm tiền lương nhiều nhất có thể, nhưng rất khó thực hiện được. Thùy Linh (SN 1998, Hải Phòng) cho biết: "Nhớ hồi mới ra trường, đi làm lương 10 triệu/tháng mà phải trả tiền phòng mất gần 1/3. Chưa kể, còn có những khoản chi tiêu rất khó hiểu kiểu: sáng mở mắt ra ngoài đường thì xe hư, tốn 500k, trưa đến công ty đồng nghiệp lại rủ uống trà sữa, ăn cơm văn phòng nhưng chiều lại lê la quán lẩu... Đấy là còn độc thân, chưa vướng bận gì nhưng lại chi tiêu không tiết kiệm, cũng chẳng biết tối ưu tài chính gì cả. Chung quy về một mối, là chưa biết đặt mục tiêu tiết kiệm tiền cho bản thân".
Cũng từng trải qua hoàn cảnh chẳng biết cân đo đong đếm tiền lương, Mây Mây (25 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Trải qua khoảng thời gian cứ nhận lương là hết, bản thân mình mệt mỏi vì chuyện tiền nong cuối tháng. Động lực đó giúp mình cố gắng hơn trong việc tính toán chi tiêu. Lựa chọn chuyển sang căn phòng trọ nằm ở vùng ven ngoại thành với mức 1,5 triệu/tháng, giúp mình thở phào nhẹ nhõm hơn với số tiền 3,5 triệu/tháng trước đó. Mình cũng chỉ phải nuôi bản thân thôi, nên chỉ cần tiết chế chính mình lại, không tụ tập, không ăn chơi, chi tiêu dè sẻn thêm chút, thì lương 10 triệu/tháng cũng để được tầm 3 triệu. Bây giờ, khi lương cao lên, dao động từ 15-20 triệu/tháng, thì chuyện tiết kiệm một nửa lương không còn là vấn đề lớn".
Trải qua khoảng thời gian vật lộn với tài chính cá nhân, giờ đây, cả Thùy Linh và Mây Mây đều có mục tiêu tiết kiệm rất cụ thể. Cả 2 cô nàng đều chia sẻ rằng: Nhất định phải đặt mục tiêu rõ ràng trong cách quản lý tài chính cá nhân!
Sống ở Hà Nội, nhiều người cho rằng mức lương 10 triệu/tháng chẳng thể tiết kiệm nổi. Mây Mây lại không nghĩ như vậy: "Ngay cả hồi nhận lương 10 triệu/tháng, mình cũng để dành đều đều 3 triệu/tháng. Có những tháng, đỉnh điểm còn đạt được 6 triệu, khi mà mình chỉ chi trả tiền nhà và tiền ăn. Đây là thời điểm tiền mình làm ra chỉ cần lo cho cuộc sống của mình, không cần phụ ba mẹ.
Như đã chia sẻ, mình chọn thuê nhà với giá chỉ bằng 1/2 lúc còn đi học. Khoản tiền này tính ra không hề nhỏ với thu nhập 10 triệu. Thường thì đây là khoản tiền tiêu tốn nhất của những người xa quê làm ăn. Cân đối được khoản này cũng đã giúp đỡ được kha khá.
Tiếp theo là đến chi phí sinh hoạt, mình chọn tối giản trong lối sống hàng ngày: Tiền ăn, mặc, chơi.
- Về ăn uống, mình rất ít khi ăn ngoài. Nhiều người cho rằng ăn ngoài không tốn kém, lại tiện lợi mà ngon. Nhưng mình đã từng thử nghiệm việc ăn ngoài trong 1 tháng. Kết quả là tiêu gấp đôi số tiền ăn uống nếu mình chọn nấu ăn tại nhà. Chưa kể, trong 1 tháng ăn ngoài, mình hay mệt mỏi, chán ăn và trở nên không vui vẻ mỗi khi đến giờ ăn uống. Vậy nên, sau này, dù bận rộn mình cũng dành thời gian để nấu ăn tại nhà, vừa tiết kiệm lại dinh dưỡng.
- Vấn đề mặc cũng rất quan trọng, đặc biệt là con gái. Mình rất tiết chế trong vấn đề này: Xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa chỉ gói gọn trong khoảng chục bộ quần áo. Mình lựa chọn đồ có chất lượng tốt, mặc được nhiều lần mà dễ phối cùng nhau. Linh hoạt trong cách mặc cũng giúp đầu óc thư giãn hơn nhiều. Mình cực kỳ khuyên các bạn nữ nên tối giản tủ đồ của mình.
- Còn khoản chơi, mình chấp nhận chi tiền cho những mối quan hệ chất lượng. Còn lại thì luôn nói không. Mình không cả nể, cũng không có thói quen phải cầu cạnh ai, nên việc này luôn nằm trong tầm kiểm soát. Chơi ít một chút, mà lành mạnh thì vẫn hơn". Duy trì những thói quen lành mạnh giúp Mây Mây luôn có khoản tiết kiệm của riêng mình.
Đối với Thùy Linh (Hải Phòng), cô nàng từng trầy trật trong việc tiết kiệm tiền vì những lời mời gọi hấp dẫn. Không chỉ tiêu xài cho ăn uống, vui chơi, Linh còn đốt tiền vào mua sắm rất nhiều. Vậy nên, lúc mức lương 10 triệu/tháng cũng không đủ thỏa mãn những nhu cầu đó. Rút được bài học qua việc chi tiêu tốn kém, hiện tại Thùy Linh cũng đã dần có những tích lũy cho riêng mình: "Thời điểm thu nhập tăng lên, mình cảm thấy đây cũng là cơ hội để sửa chữa sai lầm chi tiêu trong quá khứ. Lựa chọn chi tiêu cho những nhu cầu phù hợp với thu nhập hiện tại là rất quan trọng.
Như trước đây, mình bỏ ra 1/3 số lương hàng tháng để thuê nhà vì muốn sống thoải mái hơn. Ăn chơi cùng bạn bè nhiều vì nghĩ đến việc xây dựng các mối quan hệ, không nỡ từ chối đồng nghiệp vì sợ mất lòng... Toàn là những khoản chi tiêu không nên có khi thu nhập thấp. Khi nhận thức được điều này, mình đã cố gắng gạt bỏ nó ra khỏi cuộc sống. Và sau đó, là đặt cho mình một kế hoạch chi tiêu - tiết kiệm cụ thể!"
Tuy có nhiều cách để có thể tiết kiệm tiền lương, dù 1-2 triệu/tháng cũng được. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng, việc tiết kiệm một nửa lương chỉ làm được khi thu nhập của bạn cao. Mây Mây chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này: "Mình đồng ý rằng, việc thu nhập cao sẽ giúp cho mọi người tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Nhưng không có nghĩa, lương 5,7 triệu không thể tiết kiệm được. Với mình, dù mỗi tháng cố gắng dành ra 1-200k, cũng đã là tiết kiệm. Quan trọng là việc tiết kiệm xuất hiện trong suy nghĩ của bạn càng sớm càng tốt".
Thùy Linh cũng đồng ý với quan điểm này của Mây. Cô nàng chia sẻ: "Dù có tiết kiệm nhiều thế nào đi chăng nữa, thì cũng chỉ được một mức nhất định. Mình luôn ưu tiên nâng cao thu nhập trong vài năm gần đây. Khi nhận mức lương 10 triệu vào mỗi cuối tháng, mình đã tự nhủ rằng trong vòng 1 năm, phải tăng thu nhập lên 15 triệu, sau đó là 20 triệu, và các con số tăng cao theo thời gian. Để đạt được mức lương đó, mình lựa chọn làm nhiều hơn 1 công việc, và đầu tư vào kiến thức.
Có thời điểm, mình cày 4 công việc, lương cũng khoảng 15-17 triệu/tháng, có tháng cao hơn thì hơn 20 triệu. Nhưng hiện tại, mình chỉ nhận làm 1 công việc chính và 1 công việc bán thời gian. Mức thu nhập cũng ổn hơn lúc ra trường rất nhiều. Thời gian làm việc cực khổ khiến mình nhận ra tiền không dễ kiếm, từ đó bản thân cũng không còn dám hoang phí nữa. Hiện tại, mình đã có thể tiết kiệm được gần 1/2 số lương. Ở tuổi 25, mình nhận ra việc có tiền tiết kiệm quan trọng đến nhường nào!"
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn