Công việc văn phòng ổn định 8 tiếng/ngày từng là mục tiêu của nhiều ông bà cha mẹ thế hệ trước. Thế nhưng, ngày nay khi hiện tượng đa nghề nghiệp, đa lĩnh vực trở nên phổ biến, giới trẻ không còn thấy yên tâm khi chỉ làm đúng một công việc văn phòng sáng 9h đi làm, chiều 5h về nhà. Chính vì thế, chuyện ai đó kiếm được công việc tay trái thu nhập gấp 2-3 lần lương nhân viên hành chính đã không phải câu chuyện xa lạ.
Nhảy 2-3 job một lúc đồng nghĩa với khối lượng công việc và áp lực tăng gấp bội. Nhiều người than thở công việc hành chính chỉ giúp trang trải chi phí cơ bản, thậm chí “không đủ sống", nhưng họ vẫn nhất quyết không chịu nghỉ việc. Tại sao như vậy?
Đó là ý kiến của Hải My (23 tuổi) khi nói về công việc Content Marketing của mình với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng. Sống ở TP.HCM có mức chi phí sinh hoạt cao, My nhận thấy với thu nhập từ công việc văn phòng hiện tại chỉ đủ để cô trang trải các nhu cầu cơ bản như tiền xăng xe, ăn uống, mua sắm quần áo và mỹ phẩm… Còn nếu My muốn tự chi cho mong muốn cao hơn như đi du lịch, mua khóa học hay gửi tiền cho bố mẹ thì hoàn toàn không thể.
“Mỗi tháng mình tốn 2.5 triệu tiền nhà, 800 nghìn tiền xăng xe, 2 triệu tiền mua mỹ phẩm và quần áo mới, 1 triệu tiền mua thức ăn (số tiền không nhiều vì mình đang giảm cân nên chi phí ít hơn hẳn so với người bình thường). Số dư còn lại mình dùng để đi cafe và ăn uống với bạn, mua sách đọc hoặc dùng cho việc đi đám cưới, ma chay… Chỉ là nhu cầu sinh hoạt cơ bản thôi nhưng lương 6-7 triệu của mình trong nháy mắt là hết sạch", My nói.
Giống như Hải My, Thu Trang (27 tuổi, TP. Hà Nội) cũng rơi vào cảnh ngộ luôn tiêu hết sạch tiền từ công việc văn phòng trước kỳ lãnh lương mới. Được biết, Thu Trang đang làm biên tập viên, nhận lương 15 - 20 triệu đồng/tháng. Thu Trang mới kết hôn, đã có nhà và chưa có con.
Trong gia đình, Thu Trang là người nắm giữ tiền và quản lý chi tiêu. Vợ chồng cô thống nhất dùng tiền lương công việc văn phòng của vợ để trang trải cho nhu cầu cơ bản và gửi tiền về cho gia đình hai bên hàng tháng.
Thu Trang chia sẻ: “Mình tự thấy tiền lương của hai vợ chồng không phải là thấp nếu so với mặt bằng chung. Nhưng vợ chồng mình có mức sống khá cao, là người của gia đình và muốn đầu tư nhiều thứ cho bản thân.
Chẳng hạn như vào cuối tuần, vợ chồng mình luôn cố gắng dẫn bố mẹ hai bên đi thư giãn, ăn uống này nọ tốn khoảng 1-3 triệu đồng/ngày, ít nhất 2 đợt/tháng. Ngoài ra, chúng mình còn gửi 5-10 triệu đồng/tháng về cho bố mẹ vì hai nhà đều không có tiền lương hưu”.
Cả Thu Trang và Hải My đều nhận định nếu chỉ duy trì công việc văn phòng 8 tiếng/ngày thì phải tính toán chi ly mới đủ trang trải cuộc sống. Đó còn chưa kể đến việc họ muốn sở hữu các tài sản lớn hơn như nhà và xe…
Hải My tâm sự cô từng phải vay mượn bạn tiền giai đoạn cuối tháng vì nguồn thu nhập từ công việc thứ hai chưa kịp “ting ting" về tài khoản, trong khi tiền lương đã tiêu hết sạch từ mấy ngày trước. Trong khi đó, Thu Trang tâm sự thấy may mắn vì đã tìm được công việc freelancer có mức thu nhập ổn, đủ để vợ chồng cô chi tiêu hàng tháng và dành một khoản tích góp cho dự định sinh con và khởi nghiệp sau này.
Dù công việc hành chính có mức lương khiêm tốn, nhưng khi được hỏi có dự định nghỉ việc để đầu tư thời gian làm freelancer không, Thu Trang và Hải My đều thẳng thừng từ chối. Bởi lẽ họ nhận định đi làm văn phòng tuy mệt và vất vả nhưng đem lại nhiều cơ hội phát triển.
Với Hải My, ngoài làm Content Marketing, cô còn có một nguồn thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng đến từ công việc Affiliate Marketing và kinh doanh online. Có thời điểm, những video của Hải My đồng loạt lên xu hướng giúp cô kiếm đến 30 triệu đồng/tháng.
Khi mới đến TP.HCM vào khoảng tháng 2 năm nay, My từng cân nhắc dành hết thời gian cho công việc freelancer nhưng sau cùng cô vẫn chọn nộp đơn ứng tuyển vào các công ty để làm nhân viên văn phòng.
“Làm hai công việc cùng một lúc sẽ rất mệt, nhất là khi bạn đã có công việc thứ hai thu nhập gấp đôi so với việc làm hành chính đủ 8 tiếng/ngày. Nhưng mình vẫn làm CV nộp vào các công ty, dù bị từ chối cũng khá khá vì không muốn bản thân suốt ngày ‘giam’ mình trong căn phòng đi thuê.
Hơn nữa, cả công ty cũ và công ty hiện tại mình làm đều có liên quan đến công việc tay trái là kinh doanh và làm Affiliate Marketing. Thực ra mình biết đến công việc freelancer nhờ mối quan hệ với đồng nghiệp ở công ty cũ. Nói chung, đi làm công việc hành chính dù tiền lương ít nhưng cho mình nhiều mối quan hệ và học hỏi thêm", My bày tỏ.
Tương tự Hải My, Thu Trang cũng không nghĩ đến chuyện nghỉ việc dù mức lương nhân viên văn phòng chỉ đủ để vợ chồng cô trang trải sinh hoạt phí. Cô nàng tiết lộ, công việc thứ hai là làm quản lý các trang mạng xã hội cho 3 KOL, nhận 30 - 35 triệu/tháng. Những KOL này đều biết đến cô nhờ vị trí biên tập viên. Do đó với Thu Trang, công việc hành chính không chỉ để tăng tiền lương mà còn tạo cơ hội để cô nhân đôi thu nhập từ nghề freelancer.
Thu Trang cho hay: “Tất nhiên, đó là sự đánh đổi. Sau khi làm văn phòng 8 tiếng/ngày, tối về còn làm freelancer thì khối lượng công việc của bạn rất nhiều. Mình thường xuyên phải làm việc 12 tiếng/ngày, nhiều đêm thức khuya, mắt thâm đen và mệt mỏi.
Tuy nhiên, mình không có ý định bỏ công việc hành chính. Bởi thứ nhất, mình học được thêm nhiều kỹ năng quản lý nền tảng mạng xã hội, biên dựng nội dung từ công việc này. Thứ hai, công việc cũng giúp mình tạo thương hiệu cá nhân tốt với đối tác, cũng như mở rộng mối quan hệ trong ngành".
Cũng theo Thu Trang, làn sóng cắt giảm nhân sự đồng loạt từ các công ty cũng ảnh hưởng nhiều đến quyết định nghỉ việc của cô.
“Khi chứng kiến đồng nghiệp đột nhiên mất công việc ổn định do bị sa thải, mình nghĩ ai cũng nên làm ít nhất 2 job cùng lúc để có phương án dự phòng cho tương lai", Thu Trang nói.
Là người làm nhiều công việc cùng lúc, Hải My cho rằng bạn cần chấp nhận hy sinh thời gian và các cuộc vui cho công việc. Tuy nhiên, cô vẫn cho rằng đây là khoản đánh đổi xứng đáng để có mức thu nhập rủng rỉnh và tương lai tốt hơn.
“Có thời điểm công việc bận rộn khiến mình kiệt sức. Đặc biệt là đến đợt nghỉ lễ, trong khi mình vẫn làm việc thì bạn đăng ảnh check-in địa điểm này kia khiến mình thấy bản thân giống như đang ‘bán sức'. Do đó, với những người chuẩn bị làm 2-3 công việc cùng lúc, mình nghĩ bạn nên đặt ra giới hạn làm việc cho bản thân. Chẳng hạn như mức thời gian tối đa làm việc trong ngày, cũng như đặt quyết tâm cuối tuần buông bỏ hết công việc để đi thư giãn hoặc về thăm bố mẹ.
Mình từng thất bại nhiều lần khi tuân thủ nguyên tắc trên bởi guồng xoay công việc và tâm lý muốn kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Cho đến khi mình nhận ra sức khoẻ tâm lý bản thân không ổn, cả cơ thể mệt mỏi thì nguyên tắc này đã giúp mình tìm lại năng lượng làm việc", My nói.
Còn với Thu Trang, cô nhận thấy mọi người có thể làm tốt nhiều công việc mà vẫn dành thời gian cho những thú vui khác của cuộc sống nhờ biết thuê người làm đúng cách.
Trang chia sẻ: “Trước kia khi mình chỉ nhận làm quản lý cho một KOL, mình từng chứng kiến cảnh bản thân kiệt sức trong công việc mà năng suất không đạt hiệu quả. Lý do là bởi lúc đó mình còn ôm đồm quá nhiều thứ, vừa viết bài PR, đảm nhiệm quay clip và hình ảnh… Một phần vì mình không tin tưởng giao việc cho người khác, phần khác mình nghĩ làm một mình sẽ tiết kiệm chi phí.
Sau đó, mình đã thay đổi suy nghĩ. Mình tự xây một đội ngũ riêng để làm hình ảnh, quay clip và biên dựng nội dung. Còn mình chỉ làm công việc liên quan đến quản lý như duyệt nội dung, làm việc với báo chí cho các bạn KOL… Sau đó hiệu suất công việc của mình đã tăng lên rất nhiều nhờ việc tìm đúng người chuyên môn. Từ 1 KOL, giờ mình đã có thể nhận làm việc với 3 bạn KOL và gia tăng gấp đôi nguồn thu nhập".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn