Làm thêm nghề may để tạo nền móng cho con

09:32 | 02/07/2021;
Từ nhỏ, chị Tiêu Ngọc Lành (trú tại xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã ý thức được sự khó khăn và vất vả của gia đình thuần nông. Vùng đất nơi chị sinh ra thường xuyên bị sạt lở, người nông dân thường xuyên chịu cảnh "được mùa mất giá, mất mùa trắng tay".

"Tôi được một người quen giới thiệu về nghề may gia công. Tôi đã chuyển sang học may. Thời gian đầu, tôi còn sử dụng máy đạp bằng chân, chưa có máy hiện đại như bây giờ. Tôi còn đi xe đạp qua huyện khác để nhận hàng về may. Càng làm tôi càng thấy yêu nghề và quyết định đầu tư máy móc. Sau đó, tôi dạy nghề cho các chị em khác để nhận hàng về may", chị Lành kể lại. Tổ may gia công của chị có 7 nhân công, chủ yếu may áo thun, quần áo lao động.

Vừa đưa tay cắt những đường chỉ thừa trên thành phẩm, chị Lành vừa cho biết: "Thời gian đầu khởi nghiệp, tôi gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để trang bị các loại máy móc. Cơ sở muốn làm ra nhiều sản phẩm, tiết kiệm thời gian, người may phải đầu tư máy may hiện đại, máy xe lai, máy vắt sổ. Chi phí cho các loại máy này trên dưới 20 triệu đồng. Để giải quyết bài toán đó, tôi thực hiện phương châm ‘lấy ngắn nuôi dài’. Số tiền lãi hàng tháng tôi dành dụm để tái đầu tư máy móc. Ngoài ra, tôi còn tiếp cận với nguồn vốn vay do Hội LHPN xã hỗ trợ. Sau 3 năm, tôi cơ bản trả gần xong nợ".

Bên cạnh tạo việc làm cho chị em địa phương, giải quyết vấn đề lao động nhàn rỗi, chị Lành còn đào tạo nghề, giúp chị em trong vùng có thể tự nhận hàng về may gia công tại nhà. "Tôi đào tạo cho chị em để cùng phát triển, tôi không lấy tiền công. Sau khi đào tạo, ai có khả năng tự nhận hàng, ra làm riêng thì tôi chỉ cho các mối nhận hàng trong thời gian đầu. Ai không có khả năng tự nhận thì làm cùng tôi. Với nghề may này, thu nhập mỗi tháng khoảng 3-4 triệu đồng. Chị em tranh thủ làm lúc nông nhàn, vừa có tiền lo cho con học hành, không phải xa quê, vào thành phố", chị Lành cho hay.

Là thợ may tại tổ may gia công của chị Lành, chị Lê Thị Lụa cho biết: "Lúc trước, tôi làm nghề bán đậu hũ, công việc bấp bênh. Khi biết đến nghề may gia công, tôi qua học và làm ở đây luôn. Thu nhập tuy không cao nhưng đều đặn, chị em có hàng thường xuyên, không bị gián đoạn, mùa nắng hay mùa mưa đều có công việc để làm. Kinh tế gia đình tôi cũng được cải thiện".

Chị Lành tâm sự: "Phụ nữ ở đây ai cũng chịu khó, ngoài làm việc đồng áng, lúc nào rảnh rỗi thì đi may, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Tôi thường động viên chị em ráng làm ăn. Nếu mình không bước đi thì mình sẽ bị tụt hậu, con cái thua thiệt. Mình không chỉ sống cho mình mà còn tạo nền móng cho con. Cha mẹ phải là tấm gương, nuôi dưỡng ý chí vượt khó cho con".

Chị Trương Thị Thu Thạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Khánh A, cho biết: "Mấy năm gần đây, chị em trong xã bắt đầu phát triển nghề may gia công. Hội LHPN xã đã xuống nắm tình hình và hỗ trợ các chị tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, mua máy móc hiện đại để may. Trước đây, máy may gia đình chỉ may được một công đoạn thôi. Sau khi được hỗ trợ vốn, các chị mua luôn máy may, máy vắt sổ để làm thành sản phẩm hoàn chỉnh giao cho công ty. Từ các hộ may nhỏ lẻ, Hội LHPN xã đã liên kết các chị vào tổ liên kết, nhiều tổ liên kết sẽ thành lập tổ hợp tác. Mục đích là giúp chị em trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp tốt nhất trong việc nhận hàng và báo giá. Hiện tại, xã đã thành lập 6 tổ liên kết may với 132 thành viên và 1 tổ hợp tác".

Khách hàng có nhu cầu đặt may gia công có thể liên hệ chị Tiêu Ngọc Lành trú tại xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) qua số điện thoại: 0932.640.981.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn