'Làm trà sạch vất vả, khó giàu lắm'

10:20 | 13/01/2019;
Dẫu vất vả nhưng chị Trần Thị Phương Thảo (Giám đốc điều hành công ty Thái Minh, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) vẫn quyết tâm phải làm gì đó để quảng bá, phát triển trà Thái Nguyên. Bên cạnh các sản phẩm trà truyền thống, chị còn sản xuất các sản phẩm trà đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và giới trẻ.
Từ bỏ công việc ổn định, bước ra khỏi vùng an toàn và bắt tay vào khởi nghiệp với những sản phẩm từ trà, có những lúc chị muốn dừng lại vì vất vả, khó khăn, hụt hẫng và cả sự cô đơn. Nhưng chỉ cần một tin nhắn của khách: “Anh uống trà của em thấy có cả cái hồn trong đó mà anh đã uống nhiều loại trà khác không thấy được”, chị Phương Thảo như được tiếp thêm động lực để vững bước trên chặng đường dài phía trước.
 
tra-thai-minh-3.jpg
Chị Phương Thảo tại vùng nguyên liệu theo tiểu chuẩn an toàn của công ty

 

Sinh ra ở cái nôi xứ trà, màu xanh ngút ngàn của những đồi chè, mùi hương thơm ngan ngát của những búp chè non mới hái luôn vấn vương trong suy nghĩ của chị Thảo. Dù chọn công việc không liên quan nhưng chị Thảo luôn theo sát những bước phát triển của vùng nguyên liệu trồng chè của địa phương. "Mình không thể không buồn khi những đồi chè ngày càng thu hẹp lại, khâu quảng bá thương hiệu cũng chưa được tốt, nhất là chất lượng sản phẩm trà Thái Nguyên, đã có nhiều lúc dính phải những “nghi án” không được hay ho cho lắm", chị Phương Thảo chia sẻ.
 
Mong muốn gây dựng được một vùng nguyên liệu và xưởng sản xuất ở Thái Nguyên, kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra là động lực để chị quyết định từ bỏ công việc kinh doanh của mình, quyết tâm đầu tư bài bản vào các sản phẩm từ trà. 4 năm trước, công ty Thái Minh đã được thành lập tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và chị Trần Thị Phương Thảo giữ vai trò giám đốc điều hành.
 
Tập trung khai thác sản phẩm cho phụ nữ và trẻ em
 
Trà là thị trường truyền thống của Việt Nam và là lĩnh vực có nhiều sự cạnh tranh. Không chỉ ở tỉnh Thái Nguyên, mà khắp các tỉnh trung du, miền núi phía miền Bắc, ở đâu cũng có vùng đất trồng chè và sản xuất các sản phẩm từ chè. Thêm vào đó là sự cạnh tranh của trà đến nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…. Nếu không xác định đúng chiến lược và tìm ra điểm nhấn riêng, dù có sạch, có an toàn, chất lượng cao thì sản phẩm của mình không chỉ nhạt nhòa, mà còn khó có thể thành công trên thị trường. Nhận thấy những khó khăn đó, chị Thảo đã dành thời gian nghiên cứu thị trường, tìm hiểu sở thích, thói quen tiêu dùng của khách hàng, để tập trung khai thác sản phẩm phù hợp.
 
tra-thai-minh-4.jpg
Chị Phương Thảo đã dành thời gian nghiên cứu thị trường, tìm hiểu sở thích, thói quen tiêu dùng của khách hàng

 

Giới thiệu với PNVN từng sản phẩm của công ty trà Thái Minh, chị Thảo nhớ lại: Thời điểm công ty mới thành lập, cũng là lúc bột trà xanh matcha đang tạo nên cơn sốt với người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là chị em phụ nữ và giới trẻ. Chính vì vậy, ngoài những sản phẩm trà truyền thống như chè búp, chè tôm nõn, trà xanh túi lọc…, công ty còn tập trung khai thác những dòng sản phẩm được phái đẹp và trẻ em ưa thích để tạo điểm nhấn riêng.
 
Bột macha là một trong những sản phẩm trọng tâm chị Thảo tập trung phát triển. Xét về chất lượng, nguyên liệu trà của Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang với chất lượng trà của Nhật Bản. Để làm ra bột matcha đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Nhật, bên cạnh việc chú trọng vào phát triển vùng nguyên liệu sạch, an toàn, chăm sóc cây trà theo đúng tiêu chuẩn Nhật, còn phải đầu tư vào thiết bị máy móc theo đúng quy chuẩn, để cho ra loại matcha mịn, đạt chất lượng. Hệ thống máy móc, cối đá sản xuất bột matcha của Thái Minh đã được xây dựng trên dãy núi Hoàng Liên Sơn.
 
tra-thai-minh-1.jpg
Tập trung khai thác sản phẩm cho phụ nữ và trẻ em là điểm khác biệt mà chị Thảo hướng tới

 

Không dừng lại ở đó, để tạo khác biệt cho sản phẩm, ngoài bột matcha nguyên chất, chị Thảo còn làm thêm nhiều sản phẩm khác từ bột matcha như matcha gạo rang với thành phần chính là bột trà xanh, bột gạo rang, sữa bột; matcha latte, gồm bột trà xanh, sữa bột; matcha trà sữa… Tất cả các nguyên liệu được kết hợp theo công thức riêng, người sử dụng chỉ cần một phút là có thể tự pha được một ly trà sữa, trà gạo…. Chị Thảo chia sẻ: Những sản phẩm tiện lợi, không sử dụng chất bảo quản này đã được các gia đình, giới công sở đón nhận.
 
Để phong phú thêm dòng sản phẩm của mình, chị Thảo cũng sản xuất thêm các loại trà hoa, hộp trà quà tặng…
 
Những vất vả sau mỗi búp chè
 
4 năm chưa phải là quãng thời gian dài nhưng những sản phẩm trà Thái Minh đã có mặt tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Song, đó là một hành trình dài của người phụ nữ Thái Nguyên, từ bỏ công việc ổn định, dành cả thời gian, công sức và chi phí để xây dựng thương hiệu của mình. Chị Thảo chia sẻ thêm: Tìm được chỗ đứng cho sản phẩm trà đã khó, làm sản phẩm sạch thì lại khó hơn gấp nhiều lần. Bên cạnh đầu tư chi phí cao, nhân công nhiều, người sản xuất còn phải thử nghiệm nhiều lần để cho ra những búp chè chất lượng nhất.
 
tra-thai-minh-2.jpg
Có những lúc chị Thảo muốn dừng lại vì vất vả, khó khăn, hụt hẫng và cả sự cô đơn

 

“Lúc mới làm trà, có những khi cả vườn vị hỏng, cây chưa thích nghi, chất lượng chưa đạt, phải liên tục điều chỉnh cũng nản lắm chứ, nhưng chỉ cần một tin nhắn của khách: “Anh uống trà của em thấy có cả cái hồn trong đó mà anh đã uống nhiều loại trà khác không thấy có được”, mình như được tiếp thêm động lực để vững bước trên chặng đường dài phía trước”, chị Phương Thảo tâm sự.
 
Với một người phụ nữ làm kinh doanh, chị Thảo còn phải đối diện với những khó khăn đến từ nhiều phía như hạn chế về kỹ thuật, trồng trọt, phát triển thị trường; phải tự mình làm từ A-Z đến mọi vấn đề, tự quyết đưa ra quyết định… Nhưng cứ dần dần từng bước, học hỏi những người đi trước, mọi trở ngại rồi cũng sẽ qua.
 
“Làm trà vất vả, khó giàu lắm”, biết thế và nhưng bằng niềm đam mê và quyết tâm, chị Thảo vẫn dành trọn thời gian, tâm huyết để quảng bá, phát triển trà của Thái Nguyên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn