Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam trong suốt những năm bôn ba nước ngoài, rồi khi nước nhà được độc lập và cho đến tận những năm cuối đời, Người chỉ sắp xếp được 2 lần về thăm quê hương Nghệ An. Lần đầu tiên vào tháng 6 năm 1957 và lần thứ 2 vào tháng 12 năm 1961.
Trong lần thứ 2 về thăm quê, Nghệ An đón Bác rất long trọng. Từ sân bay Vinh, Bác ngồi trên xe U-oat, vẫy tay đồng bào hai bên đường chào đón. Trong lần thứ hai về thăm quê, Bác có cuộc nói chuyện với Ban chấp hành đảng bộ Nghệ An, thăm nhà máy cơ khí Vinh và nói chuyện với đại diện nhân dân trong tỉnh tại sân vận động thị xã Vinh.
Sáng ngày 8/12/1961, Bác về xã Kim Liên nhưng một điều bất ngờ không có trong kế hoạch là Bác bất ngờ về thăm làng Hoàng Trù - quê ngoại trước. Người trò chuyện với những người bạn tuổi thơ, ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu.
Trong dòng người ra đón Bác ở quê ngoại ngày hôm đó có ông Trần Văn Từ, năm đó 33 tuổi. Nay, cụ Từ đã bước sang tuổi 92, là một trong số ít những nhân chứng còn lại ở làng Hoàng Trù chứng kiến chuyến về thăm quê hương lần thứ 2 của Bác. Đến thăm cụ nhân dịp về thăm quê Bác những ngày tháng 5 này, chúng tôi lại thêm một lần xúc động khi nghe cụ kể về sự bình dị, gần gũi và chứa chan tình cảm của Bác với nơi chôn nhau cắt rốn.
Giọng nói sang sảng, nặng âm sắc xứ Nghệ, cụ Trần Văn Từ bồi hồi kể lại khung cảnh được gặp Bác ngày hôm đó, được thấy Bác giữa vòng vây của bà con quê ngoại. Ai cũng lặng đi, mừng mừng tủi tủi.
“Bác đi quanh nhà thờ họ Hoàng, biết chỗ nào được sửa chữa so với ngày Bác còn thơ bé. Rồi Bác ngồi ở bậc thềm nhà ngang. Các cháu thiếu nhi thấy Bác thì sà vào lòng, ngắm nghía Bác. Tôi không bao giờ nghĩ, đó là một vị Chủ tịch nước. Tôi cũng như tất cả những người có mặt ngày hôm đó, cứ đứng lặng nhìn Bác mừng mừng, tủi tủi”- ông Trần Văn Từ nhớ lại.
Trong hơn 1 tiếng ở thăm quê ngoại, Bác nhắc nhở bà con đoàn kết làm ăn, phấn đấu xây dựng CNXH ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam, các cháu nhỏ chịu khó học hành để lần sau Bác về, thấy mọi người tiến bộ.
Nhưng, ông Trần Văn Từ xúc động “Bác chẳng có cơ hội về thăm quê thêm một lần nào nữa. Năm 1969, khi nghe tin Bác mất, chính quyền và nhân dân Nghệ An buồn lắm. Tôi cũng vậy. rất nhớ thương Bác”- cụ Từ bồi hồi.
Sau này, mỗi lần có dịp ra Hà Nội, cụ đều nhờ con cháu đưa đến thăm Lăng Bác. Cụ đã thăm Lăng Bác 4 lần và thăm khu di tích K9 - nơi bảo quản Thi hài của Người sau khi qua đời.
Hàng năm, cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, cụ Từ lại cặm cụi viết nên những vần thơ để kính dâng Bác. Năm nay, tròn 130 năm ngày sinh của Người, cụ Từ lần giở cuốn sổ nhỏ và đọc cho chúng tôi nghe:
“Mười chín tháng năm sinh nhật Người
Cờ hồng rực rỡ khắp nơi nơi
Bác đi xa lời còn vang vọng
Dân với Đảng thực hiện tỏa sáng ngời
Xây dựng nước nhà theo định hướng
Chủ nghĩa xã hội tấm gương soi
Hòa bình đất nước vui yên tĩnh
Nước mạnh dân giàu đẹp xinh tươi”
“Trong hướng phát triển những năm tới, Kim Liên cũng chủ trương phát triển du lịch cộng đồng. Sau khi du khách thăm quê Bác, có thể vào làng, vào xóm để tìm hiểu thêm về văn hóa của người dân địa phương. Và những nhân chứng như cụ Từ cũng có thể là những địa chỉ để du khách ghé thăm”.
Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên Phan Văn Cảnh
Những người như cụ Từ còn lại ở Kim Liên không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên Phan Văn Cảnh cho biết, các cụ chính là vốn quý để truyền lại cho con cháu những kỷ niệm đẹp về vị Lãnh tụ kính yêu của quê hương. Ông Cảnh cũng tự hào vì thực hiện mong muốn của Bác, Kim Liên đã trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Nam Đàn. Đường làng ngõ xóm khang trang, nhân dân có của ăn, của để, nhà nhà xây kiên cố. Thu nhập bình quân đầu người hơn 46 triệu đồng/năm. Là nơi có khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, nơi có quê nội - quê ngoại của Bác, địa phương luôn xác định trách nhiệm của mình rất lớn trong việc bảo vệ an ninh trật tự, cảnh quan môi trường, văn hóa ứng xử… để du khách đến đây cảm thấy yên tâm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn