Mô hình đi chung xe hiện được giới thiệu có khá nhiều ưu điểm như tiết kiệm môt khoản chi phí đáng kể cho người sử dụng, tăng thêm thu nhập cho chủ xe, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, hạn chế và giảm bớt lượng phương tiện giao thông trên đường… Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, hình thức đi chung này dường như vẫn không đủ sức hút đối với cả khách hàng lẫn chủ phương tiện.
Giá rẻ nhưng chưa đắt khách
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều nơi cung cấp dịch vụ đi chung xe như các hãng taxi, công ty vận chuyển, các ứng dụng dichungxe, hay thậm chí cá nhân các chủ phương tiện cũng tự kêu gọi người đi chung xe trên mạng xã hội hay các diễn đàn như otofun, webtretho, lamchame… Hình thức đi chung xe khá đa dạng, từ đi về quê, đi du lịch, ra sân bay, đi làm… Người cung cấp dịch vụ sẽ đưa ra lịch trình tuyến đường xe chạy, số chỗ còn trống, mức chi phí… để người có nhu cầu liên hệ và đi cùng xe.
Một chuyến đi chung vui vẻ, thoải mái là mong muốn của khách hàng. Ảnh minh họa |
Với các dịch vụ đi chung xe của các hãng taxi hay đơn vị vận chuyển, khách hàng có thể tiết kiệm được từ 30% đến 40% so với thuê riêng 1 chuyến taxi. Nếu đi chung xe của các cá nhân, mức giá do hai bên tự thỏa thuận. Một số mức phí đang được tính hiện nay là: giá tiền tương đương với vé xe khách (nếu về quê), chia đều tiền xăng xe, lệ phí cầu đường (đối với những người đi chung xe đi làm) hoặc đôi khi chỉ là một mức giá tượng trưng để chủ xe uống nước. Dù tiết kiệm được một khoản không nhỏ nhưng dịch vụ đi chung xe vẫn chưa phải là ưu tiên lựa chọn của nhiều người.
“Lần đầu đi chung xe, cạch tới già” là dòng trạng thái đăng trên facebook cá nhân của Quỳnh Hương (TPHCM) sau khi thử sử dụng dịch vụ đi chung xe ô tô.
Biết đó là dùng dịch vụ đi chung, tài xế sẽ đón mình và một vài khách khác nhưng Quỳnh Hương không ngờ, sau khi lên xe, lái xe còn đưa chị lòng vòng đi đón thêm 2 khách nữa mất hơn nửa tiếng. Không chỉ bị trễ giờ tham dự một sự kiện quan trọng mà chuyến đi còn khá “bão táp” khi 2 người khách đi chung xe mở nhạc sàn ầm ĩ, trò chuyện ồn ào, không quan tâm đến thái độ hay lời nhắc nhở của người đi cùng. Kết thúc chuyến đi, dù giá tiền phải trả có tiết kiệm hơn 30% so với mức phí thông thường, nhưng với Quỳnh Hương, đi chung xe là một trải nghiệm khá tệ. Nhớ lại kỷ niệm này, Quỳnh Hương chia sẻ, quả đúng như một người bạn Hương đã nói: “Hãy tưởng tượng bạn và một người không quen ăn chung một tô bún bò, cảm giác thế nào, thì đi chung xe cũng tương tự như thế”.
Dùng dịch vụ đi chung xe để về quê Thái Bình, chị Thanh Liễu cũng gặp cảnh dở khóc dở cười. Chủ xe thông báo còn 2 chỗ trống trên xe, nên chị Liễu đăng ký cho mình và cậu con trai 10 tuổi. Đến điểm hẹn, chị Liễu đã thấy có một cặp vợ chồng trẻ và một bé gái khoảng 3 tuổi trên xe. Băng ghế sau của chiếc xe trở nên khá chật với mẹ con chị và gia đình 3 người đi chung xe. Bé con nhà đi chung bị say xe, khó chịu, kêu la, khóc lóc, dỗ thế nào cũng không nín. Chủ xe sợ bé trớ, bẩn xe liên tục cằn nhằn, khiến cả xe đều cảm thấy ức chế. Không chỉ có vậy, đi được chừng 30km, chủ xe lại dừng lại để nghỉ ngơi, uống nước. Quãng đường về quê hơn 100 cây số, nếu đi xe khách chỉ mất gần 2 tiếng, nhưng khi đi chung, phải sau hơn 3 tiếng, chị Liễu mới về đến nơi. “Tưởng đi chung xe, được ngồi xe 4 chỗ mát mẻ, nhàn hạ. Biết thế này, mẹ con tôi chịu khó ra bến, bắt xe khách, đi còn thoải mái hơn”, chị Liễu than thở.
Nỗi niềm người cầm lái
Người sử dụng than phiền khi đi chung xe, còn lái xe, chủ xe cũng có lúc không thoải mái với dịch vụ này. Nhà tại phố Phương Mai (Hà Nội) nhưng trụ sở công ty tại Bắc Ninh, nên anh Huy Sơn muốn tìm vài người đi chung xe cho đỡ buồn và có thêm một chút chi phí để bù vào tiền xăng xe. Đăng tin tìm người đi chung tại một nhóm kín trên facebook, có 3 người đăng ký đi cùng anh. Anh Sơn kể: “Cho người lạ đi cùng mới thấy đó là một sai lầm. Họ không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung và tôn trọng chủ xe. Thùng nước mình mua để uống dần, họ cũng tự nhiên sử dụng. Lên xe bắt đầu mở xôi, bánh mì ra ăn sáng, mùi thức ăn vương vấn trên xe tận mấy hôm sau. Nhắc nhở người đi chung thì cũng ngại, nhưng sau đó rút kinh nghiệm, chỉ đi chung xe với những người đã quen và có ý thức”.
Nên có ý thức khi sử dụng dịch vụ đi chung xe. Ảnh minh họa |
Anh Hùng, tài xế của một hãng xe vừa triển khai dịch vụ đi chung xe thì áp lực hơn, vì xe của công ty, không được quyền lựa chọn khách như anh Sơn. Thời gian anh Hùng phải đi đón khách đăng ký đi chung cũng lâu hơn. Khách hàng không vừa ý thì than phiền. Thậm chí, vì không quen biết nhau, họ sẵn sàng cãi vã, gây sự ngay trên xe nếu có hiểu lầm.
Những phiền toái đôi khi rất nhỏ thôi cũng đủ gây ấn tượng không tốt về dịch vụ đi chung xe. Không phải chuyến xe nào cũng tìm được người bạn đường tốt. Cần chuẩn bị gì khi đi chung xe để bảo đảm an toàn, thoải mái cho bản thân? Làm thế nào để tìm được người đi chung xe ăn ý, làm thế nào để trở thành người chủ xe đáng mến?
Mời bạn đón xem bài sau: Đi chung xe, cần những gì? trên http://phunuvietnam.vn
Mời bạn đón xem bài sau: Đi chung xe, cần những gì? trên http://phunuvietnam.vn