Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW của Trung ương năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó đặt ra giải pháp quan trọng là xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh: Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo và tăng cường hợp tác quốc tế.
“Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là loại quy hoạch đa ngành, khó và phức tạp, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam theo cách tiếp cận không gian, tổng hợp”, ông Lê Minh Ngân nói.
Bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, chia sẻ, Na Uy là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng các kế hoạch quản lý vùng bờ và đại dương.
Các kế hoạch này được Na Uy xây dựng và hoàn thiện trong nhiều năm - vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Những vùng biển của Na Uy hiện nằm trong số những vùng biển được quản lý tốt nhất thế giới, với giá trị được tạo ra ở mức cao. Cụ thể là đại dương đóng góp 70% trong tổng doanh thu xuất khẩu của Na Uy.
Kinh nghiệm quản lý tích hợp biển và đại dương của Na Uy cho thấy việc phát triển một nền kinh tế đại dương mạnh mẽ đồng thời với việc đảm bảo môi trường biển sạch và lành mạnh là điều hoàn toàn có thể.
“Một quy hoạch không gian biển có chất lượng là chìa khóa thành công. Vì thế, chúng tôi rất vui mừng được cùng với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các cơ quan đối tác Việt Nam tổ chức Hội thảo ngày hôm nay và chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy về vấn đề này”, bà Moglestue bày tỏ.
Tại hội thảo, đại diện Cục biển và hải đảo Việt Nam đã trình bày về nội dung Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch được lập trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan trong phạm vi vùng bờ, nhưng có sự điều chỉnh, xử lý đối với các vùng chồng lấn về sử dụng không gian vùng bờ; bảo đảm sự hài hoà trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng bờ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn