Kể từ khi lệnh phong tỏa được ban hành vào ngày 10/3, Italy như thể chìm vào cơn ''ngủ đông''. Toàn bộ ngành du lịch đột ngột đóng băng. Giới chuyên gia đang xem xét các biện pháp nhằm tái khởi động ngành công nghiệp không khói của đất nước này, nhưng đó không phải là điều dễ dàng.
Từ đảo Sicilia đến vịnh Genova, Italy có bờ biển dài hơn 2.700 km, dọc Địa Trung Hải và biển Adriatic. Kể từ khi chính phủ áp dụng lệnh giãn cách xã hội, toàn bộ các miền duyên hải của Italy ở trong tình trạng bị ''bỏ hoang'', hoàn toàn vắng khách qua lại. Tại đất nước hình chiếc ủng, du lịch được coi là ngành mũi nhọn, doanh thu hằng năm lên tới 232 tỷ euro, tức là khoảng 13% GDP (tổng sản phẩm nội địa). Ở thị trường lao động Italy, trong số 10 người thì có 2 người làm việc cho ngành du lịch.
Theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2020, du lịch Italy hoàn toàn mất trắng vì Covid-19. Cho đến nay, đã có hơn 1.500 viện bảo tàng phải đóng cửa, khoảng 330.000 nhà hàng ngừng hoạt động. Nếu so với các lĩnh vực khác trong ngành du lịch như: lữ hành, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí… thì ngành khách sạn được kỳ vọng là phục hồi sớm nhất. Tuy nhiên, sự phục hồi này là rất chậm, bởi ngay cả khi dịch bệnh sớm được kiểm soát thì sẽ còn rất lâu nữa, du khách mới trở lại Italy. Cũng sẽ không biết khi nào, Italy mới đạt được kỷ lục đón 94 triệu lượt du khách trong năm 2019.
Theo Cơ quan Du lịch Quốc gia Italy, trong cái khó ló cái khôn, đại dịch Covid-19 có thể giúp ngành du lịch nước này phát triển hình thức du lịch mới: khuyến khích dân trong nước không cần phải đi chơi xa, mà dành thời gian ghé thăm các điểm du lịch gần nhà. Ông Alessandro Tortelli, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Du lịch tại Florence tiết lộ, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy: 83% người Italy dự định sẽ đón hè năm nay tại quê nhà.
Italy vốn tự hào là quốc gia đầu tiên có tới 55 địa điểm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xếp hạng Di sản Văn hóa Thế giới và đây là cơ hội để Italy thực hiện các biện pháp kích cầu du lịch trong nước. Sẽ không gì tuyệt vời bằng sau những ngày tháng ngột ngạt vì cách ly phòng chống dịch bệnh, người dân Italy được vi vu đến miền thung lũng Tuscany hay đi hóng mát tại bờ biển Amalfi. Nhưng liệu mùa hè này, việc đi lại (dù ở trong nước) đã dễ dàng hay chưa, các khách sạn, nhà hàng liệu đã kịp mở cửa trở lại, rồi việc thực hiện các biện pháp bảo vệ y tế sẽ như thế nào, mọi chuyện vẫn đang là ẩn số bởi đại dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp.
Theo ông Lorenza Bonaccorsi, Quốc vụ khanh đặc trách Du lịch Italy, chính quyền đang xem xét việc áp dụng các biện pháp giãn cánh xã hội để đảm bảo khoảng cách an toàn trên các bãi biển cũng như tại các cửa hàng buôn bán.
Trái với 2 quốc gia láng giềng là Tây Ban Nha và Pháp, đa số các bãi biển ở Italy đều được quản lý bởi các công ty có cơ sở kinh doanh ven biển. Về mặt pháp lý, bãi biển không thuộc quyền sở hữu tư nhân nhưng lại được nghiệp đoàn Lungomare khai thác và quản lý các địa điểm nghỉ mát ven biển. Theo ông Alberto Bertolotti, Phó chủ tịch nghiệp đoàn Lungomare, sẽ không có chuyện đặt những tấm kính chắn bằng mica trên bãi biển để buộc du khách phải giữ khoảng cách an toàn, nhưng hàng quán ven biển phải áp dụng các biện pháp cách ly, qua việc tổ chức lại cơ cấu, sắp đặt không gian sao cho vừa với lượng khách hàng được tiếp đón.
Covid-19 khiến du lịch Italy ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng cũng là cơ hội quý báu để đất nước này khắc phục những điểm yếu trong ngành du lịch không khói. Thành phố Venice là một ví dụ điển hình. Hằng năm, thành phố cổ kính này luôn rơi vào tình trạng quá tải khách du lịch với hơn 20 triệu lượt khách đến tham quan. Năm ngoái, chính quyền địa phương phải áp dụng việc thu phí đối với những trường hợp du khách đến thăm Venice mà không ngủ qua đêm. Số lượng du thuyền đến Venice quá nhiều khiến bến cảng ở đây luôn ở tình trạng quá tải.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã khiến thành phố Venice trở nên yên tĩnh, người dân thành phố lại thấy được nét duyên dáng thuở nào của Venice, với phong cảnh hữu tình và những dòng kênh, cây cầu thơ mộng. Đó cũng là lúc chính quyền thành phố phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu thực hiện chính sách du lịch bền vững cho Venice. Và ngành du lịch Italy cũng sẽ phải có những giải pháp mang tính lột xác sau đại dịch Covid-19.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn