Đây là một con số lịch sử bởi cách đây 10 năm, số phụ nữ ở độ tuổi 60-64 đi làm tại Xứ sở sương mù chỉ là 34%, nhưng đến năm 2020, con số này đã lên đến 51% (tăng 17%). Trong khi đó, ở nam giới, đà tăng trưởng là khá khiêm tốn. Cũng trong vòng 10 năm qua, số đàn ông ở độ tuổi này đi làm chỉ tăng khoảng 13%.
Với nhiều chuyên gia, sự thay đổi này mang nhiều ý nghĩa tích cực cho nữ giới. Vai trò của nữ giới trong xã hội sẽ được coi trọng hơn. Công việc cũng sẽ mang lại cho họ sự độc lập về tài chính, nhiều cơ hội để cải thiện cuộc sống hiện tại và sau này.
Bà Julie Kumalinga, 60 tuổi, một người nhận chăm sóc trẻ ở London, chia sẻ: "Tôi không muốn sống dựa vào lương hưu của chồng. Trước đây, tôi đã từng làm cho một công ty chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Với kinh nghiệm có sẵn, tôi có thể làm tốt công việc chăm sóc trẻ như hiện nay. Không chỉ có thu nhập ổn định, cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn khi được làm việc".
Bà Kathryn Morgan, 61 tuổi, một chuyên viên tư vấn tài chính của tập đoàn đa quốc gia, thì tiết lộ: "Hiện tại, tôi phải chia thời gian dành cho gia đình của mình ở Vương quốc Anh và công việc tư vấn, giảng dạy ở Slovakia. Tôi không nghĩ là tôi sẽ nghỉ hưu chừng nào tôi còn khỏe mạnh".
Theo luật ở Anh từ năm 2010, phụ nữ ở quốc gia này nghỉ hưu ở tuổi 60 và nam giới nghỉ hưu ở tuổi 65. Mặc dù luật đã được ban hành từ khá lâu nhưng phải đến tháng 10/2020, luật này mới chính thức có hiệu lực. Cũng theo lộ trình, đến năm 2028, tuổi nghỉ hưu ở Anh sẽ là 67 và đến những năm 2060, dự kiến hầu hết người Anh sẽ còn làm việc tới ngoài tuổi 70.
Theo thống kê của Văn phòng Thống kê Quốc gia, đến năm 2040, số người lao động từ 50 tuổi trở lên (cả nam lẫn nữ) sẽ đóng góp 1,3% vào GDP của Anh mỗi năm.
Mặc dù vậy, cũng có những ý kiến lo ngại về các hệ lụy từ hiện tượng tăng mạnh về số phụ nữ cao tuổi vẫn làm việc. Tiến sỹ Patrick Thomson, người quản lý chương trình tại Trung tâm Lão hóa London, cho rằng, sự bất bình đẳng giới, chuyện trả lương thấp, điều kiện lao động không an toàn… đang là những vấn đề nhức nhối đối với nữ giới ở Vương quốc Anh. Chính phủ cần phải tìm hiểu kỹ tình trạng lao động, chất lượng cuộc sống của những người trung niên, đặc biệt là phụ nữ trước khi đưa ra những quyết định về độ tuổi nghỉ hưu trong tương lai.
Ông Caroline Abrahams, Giám đốc tổ chức từ thiện Age UK, thì nêu rõ: "Con số 2 triệu người già đang sống dưới mức nghèo khó ở Vương quốc Anh là một thách thức rất lớn đối với chính phủ. Số phụ nữ Anh ở độ tuổi 60-64 vẫn đang đi làm càng khẳng định một điều, họ buộc phải đi làm vì chuyện tiền bạc chứ không phải vì tình yêu với công việc". Đối với ông Abrahams, đó là một điều đáng buồn chứ không mấy vui vẻ gì.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn