"Làn gió mới" về nữ quyền ở Sudan

15:03 | 09/05/2020;
Một bước tiến lịch sử về quyền phụ nữ ở Sudan khi chính phủ nước này đã hình sự hóa việc cắt âm vật. Ai vi phạm sẽ bị phạt tù 3 năm kèm với các khoản tiền phạt. Chế độ mới cũng bãi bỏ đạo luật trật tự công cộng, trong đó hạn chế phụ nữ tự do ăn mặc, đi lại, học tập...

Dấu ấn tích cực về nhân quyền

Chính phủ Sudan vừa phê chuẩn việc sửa đổi Luật hình sự và tuyên bố rằng bất kỳ ai thực hiện việc cắt âm vật (FGM) trong cơ sở y tế hoặc ở nơi khác đều phải đối mặt với án tù 3 năm và bị phạt tiền. Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ hy vọng, hình phạt này sẽ giúp chấm dứt FGM. Bộ Ngoại giao Sudan nhấn mạnh, hành động này nằm trong cam kết của chính phủ đối với các thỏa thuận nhân quyền quốc tế, góp phần giải quyết một trong những hủ tục nguy hiểm vi phạm quyền của phụ nữ. Việc sửa đổi luật là một dấu ấn tích cực trong việc tạo ra một xã hội nơi phụ nữ được hưởng các quyền của họ, trong đó có quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Để luật được thực thi hiệu quả, cần có nỗ lực và sự phối hợp của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Ông Faiza Mohamed, Giám đốc của tổ chức Equality Now ở khu vực châu Phi, cho biết, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị FGM ở Sudan cao nhất toàn cầu. Bây giờ đã đến lúc sử dụng các biện pháp trừng phạt để đảm bảo các cô gái được bảo vệ khỏi hành vi tra tấn này. Đây là một công cụ răn đe quan trọng, tuy nhiên, Sudan có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc thực thi pháp luật.

Những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc nâng cao nhận thức về FGM trên toàn cầu nhưng cuộc chiến chống lại hủ tục FGM vẫn còn nhiều gian nan ở phía trước. Theo Liên hợp quốc, cứ 10 phụ nữ và trẻ em gái ở Sudan thì có 9 người đã bị thực hành hủ tục FGM liên quan đến việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bộ phận sinh dục nữ. Không chỉ ở Sudan, 200 triệu trẻ em gái và phụ nữ trên thế giới đã phải trải qua thủ tục man rợ này. Hủ tục FGM vẫn còn tồn tại ở 27 nước châu Phi, châu Á và một số quốc gia ở Trung Đông.

Một số người dân tin rằng, FGM giúp hạn chế ham muốn tình dục của phụ nữ, giúp họ giữ được trinh tiết trước khi kết hôn. FGM được xem là một thủ tục cần thiết để nuôi dạy và chuẩn bị cho một bé gái trở thành phụ nữ, bước vào cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, nạn nhân của họ đã phải chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần. Nhiều người mắc chứng trầm cảm hoặc các vấn đề tâm lý khác sau khi tiến hành hủ tục FGM. Cùng với đó là những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn vì nạn nhân phải trải qua những cơn đau dữ dội, một số trường hợp bị sốc, xuất huyết và nhiễm trùng liên quan đến việc cắt bộ phận sinh dục bằng dụng cụ không đảm bảo vệ sinh. 20%-25% phụ nữ vô sinh có liên quan tới các biến chứng sau FGM. FGM bị xem là hành động vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em gái, phản ánh sự bất bình đẳng giới sâu sắc và tạo ra hình thức phân biệt đối xử cực đoan với phụ nữ. Từ năm 2012, Liên hợp quốc đã bỏ phiếu nhất trí nỗ lực loại bỏ hủ tục FGM trên toàn thế giới. Nếu FGM còn tồn tại, nó được xem là vi phạm nghiêm trọng Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), công ước về các quyền của trẻ em.

“Kỷ nguyên mới” vì quyền của phụ nữ ở Sudan - Ảnh 1.

Cuộc sống của trẻ em gái Sudan sẽ bình yên hơn

Kỷ nguyên mới về nữ quyền

Phụ nữ Sudan thường phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa, từ nạn tảo hôn đến bạo lực gia đình, xâm hại tình dục. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn rất ít chính sách bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khi nạn hiếp dâm trong hôn nhân và hôn nhân trẻ em không được coi là tội phạm. Các vấn đề về quyền phụ nữ đã thu hút được sự chú ý lớn trong năm 2019 sau vai trò của phụ nữ trong các cuộc biểu tình kéo dài 9 tháng đòi chấm dứt 30 năm cầm quyền của nhà độc tài Omar Hassan al-Bashir. 

Luật pháp Sudan dưới thời ông al-Bashir kiểm soát khắt khe đối với người phụ nữ trên mọi phương diện, từ ăn mặc, hành vi, giáo dục cho tới đời sống cá nhân... Cuộc đấu tranh của hàng nghìn phụ nữ được người dân Sudan gọi là "Kandaka" (theo tên một nữ hoàng Sudan cổ đại từng chiến đấu vì quyền lợi của phụ nữ và đất nước mình).

Chính phủ mới đã cam kết đưa vấn đề quyền phụ nữ vào chương trình nghị sự và Thủ tướng Abdulla Hamdok đã bổ nhiệm 5 phụ nữ vào nội các ở mảng đối ngoại, thanh niên, thể thao, giáo dục, lao động và phát triển xã hội. Chế độ mới cũng bãi bỏ đạo luật trật tự công cộng, trong đó hạn chế phụ nữ tự do ăn mặc, đi lại, học tập... 

Tân Thủ tướng cũng chỉ ra sự cần thiết phải cải cách thể chế nhà nước, chống tham nhũng, xây dựng nhà nước pháp quyền và minh bạch, phát triển đường lối đối ngoại ôn hòa, đảm bảo công bằng cho phụ nữ. Bộ trưởng về các vấn đề tôn giáo Nasr al-Din Mufreh gần đây đã tham dự một buổi lễ đánh dấu Ngày Quốc tế Không khoan dung đối với việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Bộ trưởng Mufreh cho biết, ông ủng hộ mục tiêu của các nhà vận động là loại bỏ hoàn toàn hủ tục FGM ở Sudan vào năm 2030.

Các nhà vận động chống FGM cho biết, việc hình sự hóa tập quán bị quốc tế lên án này là một kỷ nguyên mới về nữ quyền, dấu hiệu cam kết của chính phủ đối với dân chủ và công bằng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn