Làn sóng bài nữ quyền gia tăng ở Hàn Quốc

16:03 | 13/01/2022;
Sau những thành tựu về quyền phụ nữ, Hàn Quốc đang phải đối mặt với làn sóng bài xích nữ quyền dâng cao ở một bộ phận nam thanh niên. Mỗi khi thấy hoạt động tuần hành chống định kiến giới là hàng chục nam thanh niên mặc đồ đen sẽ xuất hiện và chế nhạo: “Nữ quyền là bệnh tâm thần!”.

Nỗi lo bị gạt ra ngoài lề xã hội

Hoạt động bài xích nữ quyền không chỉ diễn ra trên đường phố mà còn phổ biến trên Internet với một lượng lớn người tham gia. Những người đàn ông thường nhắm mục tiêu vào bất cứ điều gì liên quan đến nữ quyền. Chẳng hạn, họ từng buộc một trường đại học hủy bài giảng của một nữ giảng viên với cáo buộc "truyền bá hành vi sai trái". Cuối tháng 7/2021, An San, vận động viên 3 lần giành huy chương Vàng ở Thế vận hội Tokyo, đã bị một bộ phận nam giới ở quê nhà chỉ trích trên mạng xã hội vì để tóc ngắn. Và mới đây, nhiều người đã nhắm vào Chính phủ vì chương trình nghị sự thúc đẩy nữ quyền, lời hứa cải cách Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình nước này.

Bae In-kyu, 31 tuổi, người đứng đầu "Đàn ông đoàn kết", một nhóm chống nữ quyền, cho biết: "Chúng tôi không ghét phụ nữ và không phản đối việc họ nâng cao quyền của mình. Tuy nhiên, ủng hộ nữ quyền là một vấn nạn xã hội". "Đàn ông đoàn kết" là nhóm dẫn đầu các cuộc biểu tình đường phố và sở hữu kênh YouTube có 450.000 người đăng ký với phương châm "Hành động cho đến khi không còn những người ủng hộ nữ quyền".

Hàn Quốc có khoảng cách giới về lương cao nhất trong số các quốc gia giàu có. Chưa đến 20% các nhà lập pháp ở Hàn Quốc là nữ. Phụ nữ chỉ chiếm 5,2% thành viên hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp niêm yết công khai, so với 28% ở Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, hầu hết nam thanh niên ở Hàn Quốc cho rằng, họ mới chính là thành phần cảm thấy bị đe dọa và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 5 năm ngoái, gần 79% nam giới trong độ tuổi 20 cho biết, họ là nạn nhân của tình trạng phân biệt giới tính nghiêm trọng.

Kim Ju-hee, 26 tuổi, người đã tổ chức các cuộc biểu tình lên án định kiến giới, cho biết: "Nền văn hóa coi thường nữ quyền thường tồn tại trên không gian mạng, với thành phần chủ yếu là nam giới. Họ miêu tả các nhà nữ quyền là những kẻ xấu xa, cực đoan và gieo rắc nỗi sợ hãi cho những người theo chủ nghĩa nữ quyền".

Theo Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc, "phụ nữ" và "nữ quyền" là hai trong những mục tiêu ngôn từ bị kích động thù địch trên mạng phổ biến nhất ở quốc gia này.

Làn sóng bài nữ quyền gia tăng ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Những người chống nữ quyền trong một cuộc tuần hành ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: NY Times.

Xung đột giới đe doạ kéo lùi những tiến bộ

Nhiều đàn ông Hàn Quốc lớn tuổi thừa nhận, họ được hưởng lợi từ một nền văn hóa gia trưởng, vốn cho rằng phụ nữ có vai trò thứ yếu. Nhiều thập kỷ trước, khi Hàn Quốc còn khó khăn, giáo dục đại học thường chỉ dành nam giới. Trong một số gia đình, phụ nữ không được phép ngồi cùng bàn ăn với nam giới, trẻ em gái mới sinh được đặt tên là Mal-ja với ý nghĩa "con gái cuối cùng". Trong khi đó, tình trạng phá thai do lựa chọn giới tính khá phổ biến. Khi đất nước phát triển, những tập tục này dần bị xoá bỏ. Các gia đình hiện tại đều yêu thích trẻ em gái. Số lượng nữ giới học đại học nhiều hơn nam giới và cũng có nhiều cơ hội làm việc trong Chính phủ hơn mặc dù vẫn còn những rào cản vô hình.

Oh Jae-ho, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Gyeonggi (Hàn Quốc), cho biết: "Nam giới ở độ tuổi 20 vô cùng đau khổ. Họ quay ngược lại coi mình là nạn nhân của phân biệt đối xử. Họ tức giận vì phải trả giá cho tình trạng phân biệt đối xử ở các thế hệ trước". Nếu đàn ông lớn tuổi xem phụ nữ là những người cần được bảo vệ thì nam thanh niên cho rằng, phụ nữ là đối thủ cạnh tranh trong thị trường việc làm khốc liệt. Những người chống nữ quyền cho rằng, nam giới gặp bất lợi vì phải trì hoãn công việc để hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Ngược lại, phía ủng hộ nữ quyền chỉ ra rằng, phụ nữ phải rời bỏ thị trường lao động sau khi sinh con và đảm nhận phần lớn công việc gia đình.

"Cuộc chiến" về giới cũng ảnh hưởng đến các chiến dịch tranh cử Tổng thống Hàn Quốc, khi phần lớn các ứng cử viên đều coi trọng lá phiếu của các cử tri trẻ tuổi. Trước làn sóng bài xích nữ quyền dâng cao, không có ứng cử viên nào lên tiếng ủng hộ quyền của phụ nữ, ngoại trừ Tổng thống Moon Jae-in, người từng tự gọi mình là "nhà nữ quyền" khi ông vận động tranh cử cách đây 5 năm.

Ông Lee Jae-myung, ứng cử viên Đảng Dân chủ, cho biết: "Cũng như việc phụ nữ không nên bị phân biệt đối xử vì giới tính, nam giới cũng không nên bị phân biệt đối xử vì họ là nam". Ông Lee coi xung đột giới là phần lớn vấn đề khiến cơ hội việc làm giảm sút. So sánh người trẻ Hàn Quốc với "những chú gà con đang vật lộn để không rơi ra khỏi chiếc tổ đông đúc", ông Lee cho rằng, phải làm chiếc tổ lớn hơn bằng cách phục hồi tốc độ tăng trưởng.

Những người ủng hộ quyền phụ nữ lo ngại, sự trỗi dậy của chủ nghĩa chống nữ quyền có thể cản trở, thậm chí kéo lùi những tiến bộ mà đất nước đã đạt được trong việc mở rộng quyền phụ nữ. Trong những thập kỷ gần đây, họ đã đấu tranh để hợp pháp hóa việc phá thai và khởi động chiến dịch #MeToo.

Lee Hyo-lin, 29 tuổi, cho biết khi còn là thành viên của một nhóm nhạc, cô thường bị đồng nghiệp nam nhận xét về cơ thể, chế giễu rằng cô nên "từ bỏ việc làm phụ nữ" khi tăng cân. "#MeToo là một phần của phụ nữ Hàn Quốc. Bây giờ chúng tôi muốn lên tiếng nhưng họ muốn chúng tôi im lặng. Điều đó thật sự khiến tôi thất vọng", Lee nói.

Phía còn lại của "cuộc chiến" là nhóm đàn ông trẻ tuổi với những nỗi bất bình và lo lắng không ngừng được đưa ra trên các diễn đàn dành cho nam giới. Họ đặc biệt hướng đến những trường hợp nam giới bị buộc tội sai như một cách để tạo lòng tin. Đơn cử là trường hợp của Son Sol-bin, một người bán đồ nội thất đã qua sử dụng, từng bị bạn gái cũ cáo buộc tội hiếp dâm và bắt cóc vào năm 2018. Lúc đó, nhiều cư dân mạng đã kêu gọi thiến Son. Tuy nhiên, mẹ anh đã tìm thấy những đoạn video chứng minh cáo buộc của bạn gái cũ là không đúng. 

"Ảnh hưởng của phong trào nữ quyền đã khiến nam giới bị thành kiến đến mức cảnh sát chỉ cần có lời khai và vài giọt nước mắt của phụ nữ là đủ bằng chứng để đưa một người đàn ông vô tội vào tù", Sol, người từng ngồi tù 8 tháng trước khi được minh oan, nói. Gần đây, trong một cuộc biểu tình chống nữ quyền, khi Sol cố kìm nước mắt, những thanh niên khác đã hô vang: "Hãy mạnh mẽ lên! Chúng tôi đồng hành cùng bạn!".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn