Theo Bộ Đường sắt Pakistan, ba người đàn ông, trong đó có một người là nhân viên soát vé tàu, đã bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ 25 tuổi. Vụ tấn công diễn ra sau khi người phụ nữ bị nhân viên soát vé dụ vào khoang trống trên tàu. Theo CNN, ba người đàn ông đã bị bắt vì tình nghi cưỡng hiếp.
Người phụ nữ là một bà mẹ hai con, được cho là đang trên chuyến tàu đi từ Multan ở miền Đông trung tâm Pakistan tới Karachi, thành phố lớn nhất của đất nước vào tuần trước.
Salman Sufi, người đứng đầu Đơn vị Thực hiện Cải cách Chiến lược của Thủ tướng, cho biết chính phủ đã lệnh cho các nhà điều hành đường sắt cải thiện tình trạng an toàn của phụ nữ trên tàu, với các biện pháp bao gồm lắp đặt nút khẩn cấp trong cabin cũng như tăng cường tuần tra từ nữ cảnh sát...
Vụ việc trên đã làm dấy lên làn sóng giận dữ ở quốc gia Nam Á 220 triệu dân, nơi vốn có thành tích kém về vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ cũng như nơi các hành vi như bạo lực giới và tấn công tình dục thường xuyên xuất hiện trên các bản tin.
Sự việc thu hút chú ý từ các cơ quan bảo vệ quyền lợi, các nhà hoạt động và công chúng khi hầu hết mọi người kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc thủ phạm. "Tôi muốn nhìn thấy những kẻ đứng sau hành động tàn ác này bị trừng phạt", một người đàn ông nói với đài truyền hình Pakistan Geo.
Fouzia Saeed, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Pakistan, kêu gọi cảnh sát tạo một môi trường an toàn hơn cho phụ nữ, trong khi tờ Dawn của Pakistan bày tỏ sự phẫn nộ và gọi vụ việc là "một tội ác kinh hoàng". "Một vụ bạo lực tình dục khủng khiếp khác đã được đưa ra ánh sáng, nhấn mạnh cách tiếp cận dễ dãi trong vấn đề an ninh có thể khiến đàn ông có khuynh hướng phạm tội thoải mái thực hiện hành vi của mình", nhận định từ tờ Dawn của Pakistan.
Theo số liệu chính thức, trong vòng 4 năm qua, hơn 14.000 phụ nữ đã bị cưỡng hiếp ở Pakistan, tức xấp xỉ 11 vụ mỗi ngày. Theo Ủy ban Nhân quyền Pakistan, Pakistan có hơn 5.200 phụ nữ bị cưỡng hiếp trong năm 2021. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều vì kỳ thị của xã hội và nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp thường bị đổ lỗi trong một xã hội gia trưởng như ở Pakistan nên nhiều người quá sợ hãi và không trình báo. "Con số này có thể là phần nổi của tảng băng chìm vì hầu hết các trường hợp không được báo cáo", Cục Cảnh sát Quốc gia, cơ quan tổng hợp số liệu thống kê, cho biết.
Theo báo cáo của Reuters hồi tháng 12 năm 2020, chỉ khoảng 3% các vụ tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp được kết án ở Pakistan, trích dẫn Cuộc chiến chống hiếp dâm phi lợi nhuận có trụ sở tại Karachi. Tháng 12 năm 2020, quốc gia này đã siết chặt luật cưỡng hiếp, thành lập các tòa án đặc biệt để xét xử các vụ án cưỡng hiếp trong vòng bốn tháng và khám sức khỏe cho phụ nữ trong vòng sáu giờ sau khi trình báo.
Tháng 11 năm ngoái, Pakistan đã thông qua luật chống hiếp dâm, cho phép tòa án thiến hóa học những tội phạm tình dục bị kết tội cưỡng hiếp nhiều lần. Thiến hóa học là cách thiến sử dụng thuốc để ức chế ham muốn hoặc hoạt động tình dục. Đây là một biện pháp trừng phạt hợp pháp ở các quốc gia bao gồm Hàn Quốc, Ba Lan, Cộng hòa Séc và ở một số bang của Hoa Kỳ. Thiến hóa học được đưa ra trước phản ứng của làn sóng phản đối kịch liệt từ công chúng do sự gia tăng các vụ cưỡng hiếp đối với phụ nữ trong nước và những yêu cầu ngày càng tăng về công lý.
Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền chỉ trích đạo luật này, thay vào đó kêu gọi các nhà chức trách giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết hình phạt thiến hóa học là "tàn nhẫn và vô nhân đạo". Tổ chức cho biết: "Thay vì cố gắng làm chệch hướng sự chú ý, các nhà chức trách nên tập trung vào việc quan trọng là cải cách nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực tình dục và đem lại sự công bằng mà những người sống sót xứng đáng được hưởng".
Bất chấp việc siết chặt luật chống hiếp dâm gần đây, các nhà hoạt động nói rằng Pakistan vẫn tiếp tục khiến phụ nữ ở đất nước này thất vọng. Pakistan không có luật hình sự hóa bạo lực gia đình trên toàn quốc, điều khiến nhiều người dễ bị tấn công.
Năm ngoái, vụ chặt đầu Noor Mukadam, con gái của cựu đại sứ Pakistan, đã gây ra làn sóng chấn động khắp đất nước với những người biểu tình kêu gọi chính phủ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ phụ nữ. Kẻ giết cô Noor Mukadam, Zahir Jaffer, 30 tuổi, con trai của một gia đình có thế lực và mang hai quốc tịch Pakistan-Hoa Kỳ, đã bị thẩm phán kết án tử hình hồi tháng 2 rồi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn