Gia đình là điểm tựa tinh thần, là tổ ấm, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách mỗi người. Không gì hạnh phúc hơn khi tổ ấm của trẻ em có cả cha và mẹ. Thế nhưng thiên tai, dịch bệnh, rủi ro và dịch bệnh Covid-19… đã khiến cho không ít trẻ em phải chứng kiến và chịu đựng những nỗi đau to lớn, không thể bù đắp được khi mất đi cả cha và mẹ, hoặc mất cha hoặc mất mẹ, rơi vào hoàn cảnh khó khăn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.
Nhằm chung tay, góp sức cùng các cấp, các ngành, các địa phương trong việc quan tâm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương" bước đầu đã nhận được sự chung sức đồng lòng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Với phương châm "Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu", để Chương trình đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, đồng thời xây dựng Kế hoạch, thống nhất cách triển khai, vận động trong các cấp Hội như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, minh bạch thông tin nhằm vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi bằng các hình thức như: Nhận đỡ đầu trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi hoặc nhận đỡ đầu gián tiếp thông qua các cấp Hội LHPN. Mức hỗ trợ thấp nhất từ 500.000 đồng- 1.000.000 đồng/01 cháu/ 01 tháng, thời gian hỗ trợ từ 3 đến 5 năm; khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi.
Qua khảo sát của Hội LHPN các cấp tỉnh Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có 3.029 trẻ mồ côi, trong đó có trên 2000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ, giúp đỡ.
Trên kết quả khảo sát số liệu và nắm được hoàn cảnh của từng trẻ ở các địa phương, Hội LHPN tỉnh đã giao chỉ tiêu cho Hội LHPN các huyện/thành phố, đơn vị trực thuộc để phấn đấu đến hết năm 2027, 100% trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đều có "Mẹ đỡ đầu" là các tập thể, cơ quan, doanh nghiệp và các cấp Hội trong tỉnh.
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Hội nghị phát động Chương trình "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương" với mong muốn thông qua Chương trình "Mẹ đỡ đầu" sẽ lan tỏa, nhân rộng những giá trị nhân văn tốt đẹp; huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và các nhà hảo tâm cùng chung tay nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương trong tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và cộng đồng, để không phải trẻ em nào phải bỏ học khi mất đi cha, mẹ.
Đến thời điểm này, theo tổng hợp các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã vận động, kết nối đỡ đầu cho 205 trẻ em mồ côi với tổng số tiền hỗ trợ gần 5 tỷ đồng, với thời gian hỗ trợ từ 3 đến 7 năm hoặc đến khi 18 tuổi. Ngoài ra, trong thời gian hỗ trợ tùy theo điều kiện các mẹ đỡ đầu có thể hỗ trợ thêm sách, vở đồ dùng học tập, quần áo, thẻ bảo hiểm y tế khám bệnh… theo nhu cầu của các cháu.
Chỉ trong thời gian ngắn phát động, Chương trình "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương" đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh, điển hình như Hội Phụ nữ công an tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận đỡ đầu 25 cháu với tổng kinh phí 1.434.000.000 đồng, Hội LHPN huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, đã vận động được gần 400 triệu đồng từ hội viên và các nhà hảo tâm để hỗ trợ, đỡ đầu 20 trẻ mồ côi; Hội LHPN huyện Sông Lô, huyện Bình Xuyên đều đã tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp nhận đỡ đầu 12 cháu/huyện trong thời gian 3-5 năm với mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tháng với tổng số tiền vận động là 576 triệu đồng...
Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của các Mẹ đỡ đầu là các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh, Chương trình "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương" do Hội LHPN tỉnh phát động đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Điển hình như Công ty Cổ phần ATA Holdings nhận đỡ đầu 20 cháu trong vòng 5 năm với số tiền 600.000.000 đồng; Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận đỡ đầu 30 cháu trong vòng 3 năm với số tiền 540.000.000 đồng ; Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc trích quỹ "Vì người nghèo" tỉnh nhận đỡ đầu 15 cháu trong vòng 3 năm với số tiền 270.000.000 đồng; Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc nhận đỡ đầu 5 cháu trong vòng 3 năm với số tiền 90.000.000 đồng; Công ty TNHH Song Tinh nhận đỡ đầu 4 cháu trong vòng 3 năm với số tiền 72.000.000 đồng; Chi nhánh TYM Vĩnh Phúc nhận đỡ đầu 4 cháu trong vòng 3 năm với số tiền 72.000.000 đồng; Công ty TNHH Dịch vụ và môi trường Trọng Hiếu nhận đỡ đầu 4 cháu trong vòng 3 năm với số tiền 72.000.000 đồng; Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc nhận đỡ đầu 2 cháu với số tiền 66.000.000 đồng…
Trong thời gian tới, với vai trò là cầu nối, Hội LHPN các cấp trong tỉnh sẽ làm tốt vai trò kết nối, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay, tiếp tục đồng hành cùng chương trình, để chương trình "Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương" tiếp tục được lan tỏa, sẽ có nhiều hơn các tập thể, cá nhân chung tay làm mẹ đỡ đầu trẻ mồ côi, hướng tới mục tiêu 100% trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh có mẹ đỡ đầu; tổ chức giám sát thực hiện chính sách, tham gia điều phối nguồn lực hỗ trợ bảo đảm công bằng, giúp các em tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Chỉ đạo Hội LHPN cơ sở thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ, nắm tình hình của trẻ được nhận đỡ đầu để thông tin kịp thời đến các tập thể, cá nhân và các nhà hảo tâm; quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày về sức khỏe, tâm lý, tình cảm...thông qua mạng lưới cán bộ hội viên phụ nữ trên địa bàn trẻ mồ côi đang sinh sống. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ đối với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em..
Chương trình "Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương" đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp giúp các em được sống yên ấm trong tình thương yêu của cộng đồng. Sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với trẻ mồ côi, bất hạnh không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà đã trở thành nét đẹp truyền thống nhân văn của người Việt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn