Nhiều khi, nhìn lại chặng đường đã qua, từ một nhân viên ngân hàng bước sang nghề bánh là một ngã rẽ khá bất ngờ của Nhâm Thị Bích Ngọc (TPHCM).
Đăng ký tham dự một khóa học 2 tháng tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM, Bích Ngọc muốn biết thêm được một môn nữ công gia chánh. Sau khóa học, kiến thức chỉ đọng lại được khoảng 30% vì lớp học đông quá. Nhưng thế cũng đủ khơi dậy trong cô sự tò mò về thế giới của bột đường bơ sữa. Bích Ngọc tự lên mạng, vào google, youtube, các nhóm bánh của facebook, tham khảo và học hỏi online từ các bạn.
Bỏ "vốn đầu tư" là một chiếc lò rất nhỏ, để tự học và làm bánh tại nhà, gia đình cô đã quá quen với những món bánh thử nghiệm đầu tiên của Ngọc. "Tự học trên mạng không hề dễ. Đơn giản như một chiếc bánh bông lan, mình đã nướng rất nhiều lần nhưng vẫn không nở, phần kỹ thuật sai hoàn toàn. Mỗi lần làm bánh bị hư là cảm thấy rất nản nhưng vẫn quyết tâm mày mò làm đến được", Bích Ngọc chia sẻ. Càng làm, cô càng rút ra nhiều kinh nghiệm hơn.
Tự nghiên cứu, theo các lớp học làm bánh của các giáo viên nước ngoài tại Việt Nam và tham gia các khóa học ở Thái Lan, Bích Ngọc dần tích lũy được vốn kiến thức kha khá về bánh.
Những món bánh không chỉ tươi, sạch mà Ngọc luôn chú ý đến sự độc đáo, sáng tạo.
Xin nghỉ việc ở ngân hàng
Khi kiến thức, tình yêu dành cho bánh đủ lớn, cô nhân viên ngân hàng quyết định xin nghỉ việc để dành nhiều thời gian cho niềm đam mê của mình. Bích Ngọc xác định hướng đi của mình là những món bánh handmade không chỉ an toàn, mà còn phải sáng tạo, "độc", lạ, có điểm khác biệt mới trụ vững được trong giới bánh và truyền nghề được cho chị em.
Ban đầu, mở lớp dạy làm bánh khá vất vả. Bích Ngọc nhớ lại: "Đó là năm 2014, 2015, chưa mở được bếp bánh riêng, mình phải tự đi tìm kiếm và thuê những bếp bánh có sẵn để dạy học. Thuê thì lúc được, lúc không, giá thuê lại cứ bất ổn, nhiều thứ bị động. Mỗi buổi dạy như một lần dọn nhà vì dụng cụ phải mang đi, mang về rất nhiều. Nhưng xác định sẽ gắn bó với bánh lâu dài, nên mình luôn tự nhủ, phải cố gắng hơn nữa".
Năm 2016, Bích Ngọc đã tự xây cho mình một căn bếp bánh nhỏ tại quận 6, TPHCM. Cô đặt cho chốn riêng của mình tên gọi dễ thương: Góc bếp thơm bơ. Từ góc bếp nhỏ này, nhiều món bánh mang dấu ấn riêng như bánh kem, bánh Trung thu hoa nổi… đã được dạy cho chị em ở khắp mọi miền, từ TPHCM đến Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt.
"Vui nhất là mình mở được các lớp bánh tại Thái Lan để dạy cho các bạn người Thái. Mình tự mở lớp, thuê thông dịch viên, thuê căn hộ theo dạng có bếp riêng để tiện việc dạy. Kỷ niệm không thể quên là khi mình qua Thái Lan với hành lý là chiếc lò nướng to đùng. Đến sân bay, các anh hải quan còn bắt lại hỏi tại sao lại mang lò đi du lịch. Những vất vả đó luôn là động lực để Ngọc chia sẻ những kiến thức, để các mẹ bỉm sữa ở nhà cũng có thể làm và có thu nhập từ bánh", Bích Ngọc khẳng định.
Song song với các lớp học trực tiếp, những lớp học online và kênh youtube cũng được cô chủ Góc bếp thơm bơ đầu tư. Cô mong muốn qua clip cụ thể hướng dẫn và chia sẻ của mình sẽ truyền cảm hứng bánh trái cho các chị em trong và ngoài nước.
Bí quyết để phát triển một thương hiệu bánh
Làm bánh, kinh doanh bánh đang là công việc mang lại thu nhập cho nhiều chị em, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa. Cùng với việc đầu tư vào chất lượng, không ít chị em gặp khó khăn khi xây dựng và phát triển thương hiệu của mình.
Bích Ngọc chia sẻ một số bí quyết để chị em có thể vận dụng để tìm được chỗ đứng trong lĩnh vực bánh.
- Trước hết, với một thương hiệu mới xây dựng, muốn giữ vững trên thị trường hoặc đơn giản, chỉ là được khách hàng đón nhận thì cần đảm bảo tiêu chí chất lượng, bánh tươi, bánh sạch.
- Sau đó, nên chú ý các yếu tố độc đáo, sáng tạo. Đây là yếu tố khá hút khách nhanh. Nếu bạn chọn mẫu mã đơn giản mà xây dựng niềm tin tốt thì vẫn có thể bán được nhưng không có sự đột phá.
- Nắm bắt kịp thời các xu hướng cũng là cách để tạo sức hút cho thương hiệu của mình. Ví dụ, vào đầu mùa dịch Covid-19, Bích Ngọc đã bắt kịp trào lưu giải cứu thanh long đỏ, sáng tạo ra các món bánh mì, bánh bao, hoành thánh thanh long đỏ, nhận được sự quan tâm và tương tác rất tốt từ cộng đồng.
Các món bánh theo trend của Bích Ngọc luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng
- Nếu chất lượng ổn định rồi, bạn đừng quên đầu tư mẫu mã, bao gói đẹp hơn để hút mắt khách hàng, đơn về nhiều hơn. Với một sản phẩm handmade, có hộp đẹp, giá cả không quá đắt đỏ sẽ dễ được khách hàng đón nhận hơn.
Tự xây từng bước, không ngại chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình, Nhâm Thị Bích Ngọc đang lan tỏa tình yêu bánh trái, mong muốn mang Góc bếp thơm bơ đến với nhiều gia đình hơn nữa.
Bạn có thể vào page và kênh youtube Góc bếp thơm bơ, để gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm làm bánh cùng Nhâm Thị Bích Ngọc.
Giá các khóa học làm bánh từ 1,5 triệu đồng.
5 bí quyết khởi nghiệp của Bích Ngọc:
- Kiên trì, nhẫn nại.
- Yêu thích công việc mình đã chọn.
- Có định hướng rõ ràng.
- Quyết tâm và luôn có niềm tin mình sẽ làm được.
- Cố gắng, nỗi lực trong mọi hoàn cảnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn