Lan tỏa mô hình ‘kho gạo tình thương cho người nghèo’ ở An Giang

07:55 | 20/07/2019;
Tuy mới ra đời được gần 1 năm nay nhưng từ 1 ấp ban đầu, mô hình “Kho gạo tình thương cho người nghèo” đã lan tỏa ra nhiều xã, thị trấn của huyện Châu Phú (An Giang).

Thị trấn Cái Dầu là trung tâm văn hóa xã hội của huyện Châu Phú (An Giang). Trên địa bàn có sự chênh lệch giàu nghèo cao giữa các hộ dân khá lớn. Từ thực tế đó, chị Huỳnh Thanh Hiền - Trưởng Ban ấp Bình Nghĩa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cái Dầu - đề xuất Ban chấp hành Hội LHPN thị trấn Cái Dầu tham mưu cấp ủy, UBND thị trấn xây dựng kế hoạch, Quy chế hoạt động mô hình “Kho gạo tình thương cho người nghèo.

 

image002.jpg
Hộ hội viên, phụ nữ nghèo nhận gạo hỗ trợ từ mô hình.

 

Kho gạo tình thương ra đời ngày 24/9/2018 và chị Hiền nhận trách nhiệm làm Trưởng ban để đôn đốc và điều hành hoạt động. Khi mới đi vào hoạt động, mô hình “kho gạo tình thương cho người nghèo” của ấp Bình Nghĩa gặp nhiều khó khăn do phải đến nhà hội viên vận động tham gia, rồi vận chuyển gạo về tập kết tại văn phòng ấp, sau đó cấp phát lại cho hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực nên các thành viên trong Ban Quản lý và BCH Hội LHPN thị trấn tích cực vận động nguồn lực từ tổ chức, các tấm lòng hảo tâm nhằm hỗ trợ một phần lương thực cho hội viên, phụ nữ, bà con nghèo trên địa bàn.

Với việc làm thiết thực và hỗ trợ đúng đối tượng, công khai rõ ràng nên mô hình đã tạo được độ tin cậy cao. Sau 3 tháng đi vào hoạt động, kho gạo tình thương đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tự nguyện đến điểm tập kết góp gạo vào kho, mỗi người từ 10 đến 200 kg. Hằng tháng, ban điều hành sẽ cấp xét cho 20 hộ, mỗi hộ được nhận 10kg gạo.

Chị Bùi Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cái Dầu, cho biết: “Mô hình kho gạo tình thương sau hơn 10 tháng đi vào hoạt động đã tạo sức lan tỏa. Đến nay, mô hình thu hút hơn 40 lượt cán bộ, hội viên tự nguyện góp hơn 2.500 kg gạo, hỗ trợ cho 254 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi hộ được hỗ trợ 10kg/tháng. Mô hình này đã giúp đỡ kịp thời cho nhiều hộ giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống, nhiều chị đã yên tâm hơn trong chuyện lo cái ăn hàng ngày. Giờ mô hình này không chỉ trên địa bàn ấp Bình Nghĩa mà còn chia sẻ lan rộng ra toàn thị trấn, xã Bình Long, xã Bình Mỹ, Vĩnh Thạnh Trung và cả một số xã ở huyện Phú Tân.

Giá trị vật chất tuy không nhiều nhưng với tinh thần tương thân, tương ái, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, kho gạo đã giúp thắt chặt hơn ấm áp tình làng nghĩa xóm. Bà Phạm Thị Tuyết Nga, 54 tuổi, ngụ ấp Bình Nghĩa,  tâm sự: “Gia đình có 7 thành viên chỉ có tôi là lao động chính. Hằng ngày, tôi  vừa chăm sóc mẹ chồng và mẹ ruột ngoài 80 tuổi nằm một chỗ, chồng bị bệnh ốm yếu, con trai 26 tuổi bị tật tay chân không làm nặng được, 2 đứa cháu đi học trung học cơ sở, vừa  phụ rửa chén cho 2 hộ kinh doanh chợ Cái Dầu 2 buổi/ngày tiền công được nhận 60.000 đồng, lo bữa ăn hàng ngày, thuốc thang cho mẹ già khá vất vả, nhiều lúc bệnh không dám nghĩ. Rất mừng, Hội LHPN thị trấn và ban ấp Bình Nghĩa từ tháng 9/2018 đến nay, mỗi tháng tặng 10 kg gạo, giúp tôi đỡ phải lo cái ăn. Không chỉ vậy, mẹ chồng tôi bị mổ dạ dầy, Hội phụ nữ thị trấn còn cùng ban ấp vận động 2,5 triệu đồng giúp đỡ gia đình tôi kịp thời. Tôi không biết nói gì chỉ cám ơn cán bộ nhiều lắm”.

Việc chăm lo cho hội viên nghèo bằng việc làm cụ thể của Hội LHPN thị trấn Cái Dầu  là hành động thiết thực trong việc học tập và làm theo tấm gương Bác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn