Lan toả những tình cảm sâu sắc về thầy cô và mái trường

17:56 | 29/12/2023;
Đạo nghĩa thầy- trò là vấn đề được đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây khi có một số vụ việc xót xa làm tổn hại đến mối quan hệ đẹp đẽ trong môi trường giáo dục. Thế nhưng, với nhiều tác giả đạt giải trong cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”, tình cảm thầy- trò vẫn luôn sâu đậm.

Suốt 30 năm qua, tình cảm của cô giáo Nguyễn Thị Hiền ( Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2, tỉnh Nghệ An) - tác giả đạt giải Nhất Cuộc thi- với thầy giáo Trần Thọ Đổng (86 tuổi) vẫn vẹn nguyên. Cô Hiền vẫn nhớ như in những tình cảm ấm áp, chân thành mà thầy Đổng dành cho mình: Những năm tháng đầu tiên mới ra trường, tôi "thân cô thế cô" vì từ Thanh Hoá vào Nghệ An công tác, nhưng tôi được thầy dìu dắt rất nhiều. Sau khi ra trường 3 năm, tôi gần như không tin mình có thể đi thi giáo viên dạy giỏi. Song, thầy giáo đã nói: "Em có thể làm được". 

Lan toả những tình cảm sâu sắc về thầy cô và mái trường- Ảnh 1.

Bà Vương Hương Giang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trao giải nhân vật cho thầy giáo Trần Thọ Đổng

Thầy đã chở tôi và con nhỏ suốt quãng đường 70km để đi thi. Khi tôi lên bục giảng thi, thầy ở dưới ra sức dỗ đứa con nhỏ của tôi. "Mặc dù trong suốt quá trình công tác đầy những khó khăn, vất vả, nhưng với sự giúp đỡ của thầy hiệu trưởng Trần Thọ Đổng kính yêu nên những ngày tháng ấy trôi qua với thật nhiều kỷ niệm sâu sắc. Cả cuộc đời làm nghề giáo của thầy Trần Thọ Đổng gửi lại cho tôi thông điệp: Không cần phải là người xuất chúng, ngay cả với những người bình thường nhất cũng là những người truyền cảm hứng miễn là chúng ta có một tấm lòng", cô giáo Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Cũng đạt giải Nhất cuộc thi, thầy giáo Cao Văn Dũng (trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam) đã dành cả tuổi trẻ của mình với sự nghiệp giáo dục như một hành trình đi qua những bến đỗ khát vọng của học trò. Trong suốt hành trình ấy, thầy đã gặp Hoàng Minh Hiếu- cậu học trò với tư duy logic xuất sắc và là viên ngọc quý trong bộ môn cờ vua. "Khi dịch Covid-19 bùng nổ và ước mơ cờ vua của em tạm thời khép lại, Hiếu phải đối mặt với cảm xúc cục bộ của em với việc học tập. Bài vở của em dồn đống lại, như một mớ hỗn độn trong khi những bộ cờ vua thì vẫn được xếp gọn gàng trang trọng trên một góc bàn học. Đứng trước những tấm huy chương lấp lánh, là thành quả bao năm nay em đã cố gắng và đạt được, tôi đã lựa chọn lắng nghe cảm xúc học trò của mình, đặt niềm tin vào em và nhẹ nhàng khuyên nhủ em bằng tất thảy những chân thành. Cậu học trò năm nay đã trưởng thành, đứng trước người thầy của mình để cảm ơn "Tấm huy chương" đặc biệt về niềm tin, sự chân thành và tình yêu thương mà thầy đã dàng tặng em", thầy Cao Văn Dũng chia sẻ.

Lan toả những tình cảm sâu sắc về thầy cô và mái trường- Ảnh 2.

Trao giải cho các tác giả có tác phẩm đạt giải Nhì

Nói về nghĩa đạo thầy- trò hiện nay, cô giáo Nguyễn Thị Liên (giáo viên trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị)- tác giả đạt giải Nhì cuộc thi- cho biết: Ở đâu đó vẫn có những vụ việc ảnh hưởng không tốt đến quan hệ cũng như tình cảm thầy- trò. Thế nhưng, ở ngôi trường mà tôi gắn bó 20 năm thì dù có thay đổi thế nào, tình cảm thầy trò vẫn vô cùng tuyệt vời. Tình cảm thầy trò của chúng tôi rất giản dị, trong sáng, đơn thuần. Phương châm của chúng tôi là "tất cả vì học trò". Học trò ở nội trú cũng coi những giáo viên như cha mẹ mình.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Hiền (Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2, tỉnh Nghệ An) cho biết: Dù thỉnh thoảng mối quan hệ thầy trò có bị "va đập, trầy xước" ở một số vụ việc thì đó cũng là cá biệt. Trong hơn 80 nghìn bài viết là chừng ấy những câu chuyện rất thật về tình cảm thầy- trò. Cuộc thi này có ý nghĩa rất lớn để lan toả những tình cảm sâu đậm, lòng biết ơn đối với thầy cô và mái trường của các em học sinh.

Lan toả những tình cảm sâu sắc về thầy cô và mái trường- Ảnh 3.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (thứ 2, từ phải sang) và nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại trao giải tập thể cho đơn vị có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt

Tại Lễ tổng kết cuộc thi viết "những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường", Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái nhìn nhận, cuộc thi dường như không phải để thi thố về văn chương mà là nơi ghi chép lại những điều tử tế, hy sinh có thực trong đời sống của nhà trường, giáo dục. "Không cần phải là một nhà văn, mỗi thầy cô, mỗi em học sinh của các thế hệ viết về kỷ niệm của mình. Không cứ là nhân vật điển hình, chỉ cần những thầy cô bình dị, chúng ta sẽ có hàng triệu tượng đài bằng chữ viết, những tượng đài có thật sẽ dựng lên bền vững trong trái tim mình, trong trái tim mọi người. Rất nhiều câu chuyện cảm động không những truyền tải những hình ảnh đẹp của các thầy, cô mà còn nêu được những tấm gương, truyền cảm hứng cho học sinh. Ngọn lửa trí tuệ, tình yêu thương và lòng tốt đã được truyền tải qua các bài viết. Đạo thầy trò của dân tộc Việt Nam sẽ sáng mãi qua các thế hệ, truyền thống", ông Nguyễn Hồng Thái chia sẻ.

Lan toả những tình cảm sâu sắc về thầy cô và mái trường- Ảnh 4.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng tác tác giả đạt giải

Chiều 29/12, Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Cuộc thi năm nay, có 44 tác phẩm được lựa chọn từ hơn 80.000 tác phẩm vào vòng Chung khảo. Trong 30 tác phẩm đoạt giải, có 2 giải Nhất; 4 giải Nhì, 6 giải Ba, 10 giải khuyến khích, 2 giải Nhân vật và 2 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng tốt.

Giải Nhất thuộc về tác phẩm Tác phẩm "Tấm huy chương của Hoàng Minh Hiếu!" của tác giả Cao Văn Dũng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam (TP Hà Nội) và Tác phẩm "Hơi ấm toả từ bàn tay" của tác giả Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2, tỉnh Nghệ An.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn