Chị Mai Thị Vinh (sinh năm 1983, thôn 3, khu tái định cư Đông Yên, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) bày tỏ: "Tôi bắt đầu tham gia sinh hoạt hội phụ nữ từ tháng 3/2022. Đó cũng là thời điểm tôi được nhận vào làm việc tại tổ hội nghề may. Ngoài có việc làm gần nhà, thu nhập ổn định, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được cùng chị em tham gia các phong trào ý nghĩa như: từ thiện, thể thao…".
Chị Vinh là một trong 30 hội viên mới được kết nạp và tham gia sinh hoạt trong Chi hội Phụ nữ Đông Yên trong thời gian gần đây. Hiện nay, cả 30 chị đều là thành viên của tổ nghề may tại thôn 3.
Khu tái định cư Đông Yên (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) ra đời từ năm 2013, gồm 4 thôn giáo toàn tòng. Trong đó, toàn khu tái định cư có 300 phụ nữ đang ở trong độ tuổi sinh hoạt Hội. Năm 2020, tỷ lệ phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội chỉ đạt 35%, đến tháng 10/2022, tỷ lệ này tăng lên 60%.
Chị Thái Thị Thu Hương - Chi hội trưởng Phụ nữ Đông Yên cho biết: "Hiện chúng tôi đã ra mắt được 3 tổ hội nghề gồm: tổ hội nghề thêu, nghề may và chăn nuôi gà, cùng 1 CLB bóng chuyền. Các tổ hội nghề và CLB phát huy hiệu quả, tạo công ăn việc làm, sân chơi giải trí… giúp chị em có động lực tham gia phong trào Hội".
Sau khi tham gia tổ chức Hội, các chị em khu tái định cư Đông Yên cũng tích cực chung tay trong phong trào thiện nguyện vì cộng đồng như: đóng góp, phối hợp với Hội dòng Thừa sai bác ái, Giáo xứ Đông Yên thực hiện các chương trình bữa cơm cho bệnh nhân nghèo vào thứ 7 hằng tuần (mỗi bữa 250 suất) tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh, chung tay phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ các hội viên nghèo, khó khăn…
Thời gian qua, việc thu hút hội viên phụ nữ gốc giáo tham gia phong trào hội tại tổ dân phố 8A (thị trấn Xuân An, Nghi Xuân) cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Toàn chi hội có 140 chị em trong độ tuổi sinh hoạt. Năm 2021 trở về trước chỉ có khoảng 60 chị tham gia tổ chức hội, thời điểm hiện tại, con số hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên là 100 người.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghi Xuân cho biết, Nghi Xuân có 7 chi hội vùng giáo toàn tòng. Trước đây, tỷ lệ tập hợp hội viên tại các chi hội này chỉ đạt dưới 50%, trong năm 2022, tỷ lệ hội viên tại các chi hội vùng giáo đã đạt 70-80%.
Không chỉ các chi hội vùng khó khăn ở thị xã Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, tại các địa phương khác trong tỉnh như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc..., việc đa dạng hóa hình thức sinh hoạt trong các cấp hội đã giúp việc tập hợp hội viên phụ nữ tham gia ngày càng đông đảo.
Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, trong 10 tháng năm 2022, các cấp hội trong toàn tỉnh kết nạp thêm được 2.000 hội viên mới, trong đó có 1.300 hội viên là phụ nữ ở vùng khó khăn đặc thù. Toàn tỉnh cũng đã thành lập được 42 mô hình, CLB phụ nữ ở các địa phương vùng giáo, vùng tái định cư, vùng có dân tộc thiểu số...
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh cho biết: "Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội" là phương châm và cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tiếp tục triển khai đề án, đồng thời tích cực thực hiện Nghị quyết 02 của Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh nhằm đổi mới nội dung phương thức hoạt động, nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức hội để ngày càng thu hút hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt, nhất là đối với vùng khó khăn, đặc thù".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn