“Lăn vào bếp” để hạnh phúc hơn

00:32 | 03/08/2015;
Tôi sợ rau anh rửa chưa sạch, thịt kho chưa chín, cá còn tanh. Và tôi sợ cả tiếng đổ vỡ, leng keng, chát chúa.

Hạnh phúc khi vợ chồng cùng nhau chia sẻ (Ảnh minh họa)

Ngôi nhà ở ngoại ô. Ngó ra ô cửa là đồng bãi xanh rì và dòng sông lặng chảy. Bình yên là thế. Nhưng một thanh âm chát chúa vang lên có thể xóa ngay sự yên bình ấy. Tôi sợ tiếng đổ vỡ, bởi nó nhắc tôi về ám ảnh tuổi thơ.

Đó là một mùa hè nắng cháy năm tôi 15 tuổi. Bố mẹ tôi cãi nhau một trận lớn và trong cơn nông nổi, bố sẵn tay cầm bình hoa trên bàn ném về phía mẹ. Tôi bất ngờ lao đến ôm lấy mẹ. Chiếc bình hoa đập vào tường, một tiếng “choang” vang lên rồi nát vụn. Sau âm thanh ấy là mỗi người một ngả. Tôi theo mẹ đi xa, bỏ lại ngôi nhà, lũ bạn trong xóm nhỏ và mái trường thân yêu.

Những thanh âm chát chúa ấy tôi bắt gặp lại trong ngôi nhà của mình bây giờ. Thật may, nó không phải thứ âm thanh ném vào lòng nhau một sự đổ vỡ.

Những hôm tôi trở về nhà, người rệu rã vì sự khắc nghiệt của thời tiết cộng thêm áp lực công việc, tôi bèn kéo anh ra quán cơm đầu ngõ. Anh nhăn nhở bảo để anh vào bếp, một lát là xong ngay, ăn ở ngoài bụi bặm, cơm cũ, canh nguội, không an toàn. Lần đầu, tôi nghẹn lòng, xúc động. Xưa nay chỉ thấy các ông chồng ngại ngần bếp núc, đằng này với anh, vào bếp cũng trở thành một niềm vui. Nhưng sau lần đầu ấy thì bát vỡ 3 cái và 2 đôi đũa biến mất. Lúc anh rửa bát, tiếng xoong chảo va vào nhau leng keng. Rồi, nước từ trong bếp kéo lê ra tận phòng khách

Sợ nhất là bữa cơm do anh chế biến có con sâu chình ình trong bát canh, rồi mấy cọng cỏ, cái lá úa vàng… cũng “vô duyên” nhảy vào. Tôi đâm ra khó chịu mỗi lần đối diện với bữa cơm nhà mình lúc mình chẳng đủ sức để vào bếp. Tôi sợ rau anh rửa chưa sạch, thịt kho chưa chín, cá còn tanh. Và tôi sợ cả tiếng đổ vỡ, leng keng, chát chúa. Nó ám ảnh tôi vào tận giấc mơ.

Anh thất nghiệp vì công ty đã 3 tháng không trả lương. Anh quyết định nộp hồ sơ vài chỗ khác để bắt đầu một công việc mới. Đồng nghĩa rằng, anh sẽ ở nhà một thời gian để chờ đợi. Anh cười xòa, bảo việc bếp núc, nhà cửa anh sẽ lo toan thời gian này. Tôi nhún vai, thở dài.

Tôi thường xét nét những bữa ăn trước khi cầm đũa. Gia đình tôi không khá giả để thuê một người giúp việc. Nhưng phải thừa nhận rằng, từ ngày có anh làm đầu bếp, chăm lo cửa nhà, tôi đỡ vất vả hơn, dẫu bữa cơm có thể còn nhạt vị. Và những tiếng leng keng của bát đũa, xoong chảo vẫn vang lên.

Rồi anh tìm được công việc mới, lương khá. Tôi tính thuê người giúp việc để 2 vợ chồng đỡ cực nhọc và chuyên tâm vào công việc hơn. Anh gạt đi ý định ấy, bảo: “Anh thích vợ chồng mình cùng chia sẻ và chăm lo cho tổ ấm”. Tôi chợt thấy xấu hổ khi nghe anh nói vậy.

Đã từ rất lâu rồi tôi mới lọ mọ vào bếp, bởi hôm nay là ngày đầu tiên anh đi làm nên tôi muốn về sớm sửa soạn một bữa cơm thật tươm tất. Trên kệ tủ đựng bát đĩa có một cuốn sách dạy nấu ăn được đặt khá ngay ngắn. Tôi chưa từng mua nó và tôi cũng chưa từng cầm nó trên tay. Phải chăng, người đàn ông vụng về và hậu đậu của tôi đã âm thầm nỗ lực để gọn gàng, khéo léo hơn, để vun vén cho tổ ấm này hạnh phúc. Tôi thấy mắt mình cay xè. Tôi bỗng yêu những tiếng leng keng quá, bởi thứ âm thanh ấy đang khiến lòng tôi ấm áp, xôn xao.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn