Làng bánh ven sông Tiền chộn rộn đón Tết

05:00 | 23/01/2016;
Đôi tay khéo léo của những người phụ nữ đã làm nên thương hiệu của làng bánh tét Hội Gia, xã Mỹ Phong (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) hơn nửa thế kỷ qua. Tết đến gần, không khí làm bánh càng trở nên nhộn nhịp.
Làng Hội Gia nằm bên con sông Tiền hiền hòa, thơ mộng. Vừa tới đầu làng đã thấy hình ảnh của những người phụ nữ chở từng bó lá chuối xanh mướt, mùi bánh tét thơm phức tỏa ra từ những căn bếp rực lửa.

Làng bánh Hội Gia được hình thành từ hơn 50 năm về trước. Lúc đầu, có khoảng 20 gia đình kết duyên với nghề này. Nhưng dần dà, có lẽ vì công việc khá vất vả mà thu nhập cũng chẳng đáng bao nhiêu nên nay chỉ còn chưa đến chục hộ còn bám trụ với nghề.
 
Bánh tét ở miền Nam khá phong phú nhưng quả thật ít nơi nào so bì được với bánh tét Hội Gia nức tiếng với các món bánh bốn mùa, bánh ngũ sắc, bánh bắp, bánh nhân đậu ngọt, nhân dừa… Vào những ngày thường, một cơ sở làm bánh ở Hội Gia làm hàng ngàn chiếc bánh tét các loại, phân phối khắp tỉnh thành ở phía Nam. Những ngày Tết thì số lượng bánh làm ra lớn hơn nhiều.
 
Quá trình gói bánh cũng lắm công phu. Nếp dùng để gói bánh phải được xào trước khi gói. Bánh được gói bánh lá chuối to bản, gói nhiều lớp, dùng lạt mềm buộc và nấu chín kỹ. Để làm được một chiếc bánh ngon thì phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau từ vo nếp, sau đó đem trộn với nước cốt dừa, lá dừa để tạo màu và mùi thơm cho bánh. Thịt nạc, mỡ heo, đậu xanh cũng là những nguyên liệu quan trọng của chiếc bánh tét.

Chị Nguyễn Thị Phượng (45 tuổi), làm bánh hơn 10 năm nay cho biết, mỗi ngày cơ sở làm bánh của chị cung cấp ra thị trường hơn 3.000 chiếc bánh đủ loại. Vào ngày Tết thì số lượng sẽ nhiều hơn. Bản thân là chủ một cơ sở lớn làm bánh có tiếng nhưng hằng ngày, chị Phượng vẫn tỉ mẫn gói đủ loại bánh để cung cấp ra thị trường.
 
Ngoài những người trong gia đình thì hầu như cơ sở làm bánh đều phải thuê thêm nhân công, hầu hết là nữ. Chị Đoàn Thị Kim Thoa (57 tuổi) cho biết, chị làm nghề gói bánh được hơn 4 năm nay với thu nhập hằng tháng hơn 2 triệu đồng. “Công việc cũng không đến nỗi vất vả lắm. Khi làm rồi thì yêu nghề lúc nào chẳng hay. Làm sao có thể quên được cái vị thơm của nếp xào với lá dứa, nước cốt dừa. Mỗi một nguyên liệu là một màu sắc tươi mới. Màu xanh của lá chuối, vàng của đậu xanh, màu trắng của nếp… quyện hòa để cho ra một chiếc bánh đậm đà hương vị”, chị Kim Thoa nói.
 
Nhiều bé gái cũng tìm đến với nghề gói bánh đầy thú vị sau giờ học. Bé Đoàn Khánh Bình (10 tuổi), gói bánh được hơn 1 năm nay tâm sự: “Thấy các cô, các bà gói bánh thì cháu cũng học gói. Lúc đầu cũng khó nhưng sau một thời gian thì quen dần. Cháu không biết lớn lên có làm nghề này không nhưng bây giờ thì rất thích”.

Thương hiệu bánh tét Hội gia có được nhờ đôi bàn tay khéo léo, siêng năng của người phụ nữ.

Gắn bó với nghề gói bánh 10 năm nay, chị Phượng nói rằng, dù khá vất vả nhưng chị rất yêu thích nghề này.

Thời gian nấu bánh kéo dài từ 3-6 tiếng đồng hồ, tùy vào từng loại bánh.

Những chiếc bánh sau khi nấu xong sẽ được sửa lại để bảo đảm tính thẩm mỹ.

Những đứa trẻ thì lại tỏ ra thích thú với công việc này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn