25 tác phẩm là 25 cảm xúc và nỗi niềm mới nhất của Lê Văn Thìn muốn gửi gắm đến công chúng. Nói như nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân: "Những tác phẩm lần này mang tính ưu tư và đa mang nhất của Lê Văn Thìn. Không còn là những bức tranh đề tài "tĩnh", gợi mỹ cảm về cái đẹp hữu tình như phong cảnh, phụ nữ, hoa, hay cổ điển như mô-típ loài vật thần thoại, dân gian như rồng, phượng… đã rất quen thuộc trong tranh sơn mài nói chung. Thay vào đó, là những ấn tượng sống động, va đập vào thị giác người xem, thậm chí gây ám ảnh.
Lê Văn Thìn không vẽ những gì ông đơn thuần thấy. Chúng là những hình ảnh có thực, nhưng được họa sĩ chuyển dụng vào hội họa, thông qua ngôn ngữ sơn mài. Những hình ảnh này, trải qua bộ lọc suy niệm của họa sĩ, ngưng tụ và lắng đọng, trở nên chín muồi, "ngấu" với biểu năng diệu kỳ".
"Cấu trúc gieo nét, gieo mảng, gieo màu sinh phôi mới lạ… đã không giống ai, lại hình như cởi thoát những ràng buộc nặng lòng hơn 30 năm theo đuổi sơn mài "trắng", "gồ ghề" gân guốc của chính mình" - đó là nhận xét của hoạ sĩ Ngô Xuân Bính. Ông viết: "mấy bức ký ức "cây cầu" anh vẽ nhiều - trăn trở… nhưng quán thông phân khúc, chỉ muốn cất lời tỏ tình thân phận - mục trình thiện chí cõi lòng minh chứng "lịch sử" lộn ngược thăng thiên - trầm tích kẻ đi người ở… phương thiên dị bản phôi thai - tháo gỡ xung đột phách lối - không màng lăn tăn thế sự…".
Từng là một người lính, cảm thấu những khó khăn gian khổ của cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, Lê Văn Thìn truyền tải nó vào hội họa, thứ mà công chúng có thể nhìn thấy rõ nét nhất về cái mới trong sáng tác ngoại trừ những mô-típ đã quen thuộc tại triển lãm lần này. Lê Văn Thìn là người hoạt động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc như cái cách họa sĩ Trần Luân Tín nói về ông: "Từ "sơn mài trắng" duyên dáng, riêng tư đến những đứt đoạn gai góc về ký ức chiến tranh, ký ức Hà Nội. Bây giờ thì lắng vào vẻ đẹp bên trong, vào với ưu tư, với những âm ba ngẫm ngợi. Vẫn là vỏ sò vỏ ốc mà luôn luôn mới. Bao nhiêu nhọc nhằn mà luôn luôn được kết thúc một cách nhẹ nhàng. Có gì hạnh phúc hơn. Những mặt tranh như là gương soi. Họa sĩ, tâm tư, tình yêu và lao động".
Với Lê Văn Thìn chỉ có lao động mới tạo ra sự đổi mới trong sáng tạo. Đó luôn là nỗi niềm mà ông cần phải giải tỏa và hiện thực nó. Bản thân ông không muốn đi theo những gì được xem là truyền thống nhưng lại phát triển thêm những gì được cho là "lạ và mới" dựa trên những cái đã "cũ".
Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân cho rằng: "Nếu dùng truyền thống và hiện đại để làm căn cứ xét đoán, thì lần này họa sĩ Lê Văn Thìn "đi bộ trên dây." Bởi nói vui thì sơn mài của ông, nếu dựa trên tiêu chí hà khắc của sơn mài truyền thống, đã không còn là sơn mài".
Bản thân Lê Văn Thìn cũng thẳng thắn thừa nhận, điều duy nhất còn sót lại của sơn mài truyền thống trong tạo tác mới của ông là "vẽ ngược," mài lên để thấy hình, tương phản với kiểu "vẽ xuôi" của sơn dầu. Nói về chuyện cẩn thận và kỹ tính, cả quá trình vẽ tranh của Lê Văn Thìn là một phương pháp thử và sai, cho phép mình sai để có thể vin vào trực giác và tận hưởng thành quả đến từ diễn tiến bất khả đoán định của màu sắc và hình khối.
Ông triển khai dựa trên một phác thảo cho trước, nhưng rồi đến khi cảm giác nó không còn giống như ý tưởng ban đầu hay trở nên bế tắc, ông lại để sự vô thức mặc sức phóng túng phát triển trên tác phẩm. Để rồi, sơn mài của Lê Văn Thìn bỗng trở thành một thứ nghệ thuật khác biệt. Có lẽ, Lê Văn Thìn chấp nhận và lựa chọn lối đi đó như là một định mệnh của cuộc đời.
Triển lãm "Lắng" của họa sĩ Lê Văn Thìn đang diễn ra tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn