Cánh đồng đẹp như phố
Trên tuyến đường đê sông Hồng, hướng đi từ Hà Nội về phía Hưng Yên, qua địa phận xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên), có một lối rẽ xuống khu vực đất bãi bên sông. Đó là cánh đồng trồng hoa của người dân xã Phụng Công.
Con đường trải nhựa rộng tới hơn 20m, chạy dài xuống tận gần sông Hồng. Điểm nổi bật của con đường này không chỉ rộng rãi như một tuyến đường tỉnh lộ, mà nó còn được tô điểm bởi hàng trăm loại hoa đủ sắc màu.
Dọc hai bên đường là những thửa ruộng được quây khu gọn gàng, những hàng hoa được trồng quy mô, chăm bón tỉa tót rất kỹ càng.
Các đường ngang, lối tắt được đánh số như một con phố trong đô thị, khách đến mua hoa hay vãn cảnh, đều rất dễ dàng đi lại mà không bị nhầm lẫn. Đặc biệt là có cảm giác như đang đi dạo trong một khu phố hoa.
Anh Nguyễn Hữu Nam, người dân thôn Bến, xã Phụng Công, cho biết, trước kia con đường này được đổ bê tông, nó hẹp hơn và mặt đường xấu hơn. Khi có đông người và phương tiện về đây giao dịch mua bán hoa cây cảnh, việc đi lại sẽ gặp khó khăn.
Từ năm 2022, UBND xã đã tổ chức đầu tư thi công mở rộng con đường. Từ khi có con đường được mở rộng, giao thông thuận tiện hơn. Người dân cũng chung tay trồng hoa làm đẹp con đường.
Làng nghề cây cảnh ở Phụng Công vốn có tiếng từ lâu năm. Chính quyền địa phương thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần tạo đà cho hoạt động mua bán diễn ra tốt hơn.
Làm giàu từ cây cảnh chất lượng cao
Hơn chục năm về trước, người dân xã Phụng Công vẫn lao động sản xuất gắn với cây trồng lương thực và hoa màu là chính, lĩnh vực hoa cây cảnh chỉ là phụ. Nhưng cho đến nay, cơ cấu cây trồng ở Phụng Công đã chuyển dịch 100% sang sản xuất hoa cây cảnh.
Hiệu suất kinh tế từ sản xuất canh tác ở cánh đồng Phụng Công luôn ở mức cao. Chị Lê Thị Nga, ở thôn Ngò, xã Phụng Công, chia sẻ: "Người dân quê tôi làm hoa cây cảnh chất lượng cao, đầu tư chăm sóc với quy mô bài bản. Mức đầu tư cũng khá lớn. Do vậy mức thu nhập tính trên sào là cao hơn so với trước kia. Một sào ruộng mỗi năm có thể cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng."
Cách sản xuất canh tác của người dân Phụng Công cũng rất bài bản. Trên một ruộng hoa cây cảnh, họ luôn trồng vài loại hoa có kích cỡ khác nhau xen kẽ, nên tháng nào cũng có hàng bán ra thị trường, tạo ra nguồn thu ổn định quanh năm.
Bà Nguyễn Thị Tin, ở thôn Ngò, chia sẻ: "Làng trồng hoa cây cảnh chúng tôi khá vất vả, vì công việc trồng và chăm sóc cây diễn ra quanh năm. Mùa nào thức nấy, người lao động gần như không có thời gian nhàn rỗi. Bù lại thu nhập cũng khá ổn định. Bình quân một nhân công lao động ở đây cũng đạt mức thu tầm 15 triệu đồng/tháng."
Bà Lý Thị Hợp, Chủ tịch Hội LHPN xã Phụng Công, cho biết: "Chị em phụ nữ ở Phụng Công khá nhanh nhạy trong phát triển kinh tế ngành hoa cây cảnh. Việc tiêu thụ sản phẩm làm ra của các gia đình đa phần do chị em đảm nhận. Hội LHPN xã cũng tích cực tổ chức đẩy mạnh phong trào chị em giúp nhau làm kinh tế, đồng thời tận dụng và phát huy được nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội. Đến nay Hội đã làm cầu nối giải ngân nguồn vốn lên tới 11 tỷ đồng cho chị em trong xã."
Cho đến nay, toàn xã đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.
Sau 10 năm xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, xã Phụng Công đã huy động được trên 500 tỷ đồng thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021.
Diện mạo nông thôn trên địa bàn xã có nhiều khởi sắc: 100% các tuyến đường trục xã, thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa, trải nhựa áp phan; cơ sở vật chất các bậc học khang trang, hiện đại với đầy đủ trang, thiết bị phục vụ dạy và học; các câu lạc bộ thể dục, thể thao, khiêu vũ duy trì hoạt động, thu hút trên 65% số người dân trong xã tham gia tập luyện.
Toàn xã có trên 1,1 nghìn hộ dân thực hiện hiệu quả phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, đạt gần 55% tổng số hộ dân trên địa bàn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ước đạt 75 triệu đồng /năm, toàn xã không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn