Đang làm việc, sực nhớ đến cần sắm sửa thêm gì đó, liền điện thoại í ới, gọi đầu này dặn đầu kia. Phải dặn dò, đặt hàng xong, rồi mới cắm cúi làm việc tiếp.
Lúc tan sở, thay vì về nhà như mọi ngày, có người lại rề rà vào siêu thị này, sang hàng quán nọ, tìm mua thứ này, ngắm nghía thứ kia, cân nhắc túi tiền.... Tết mà. Khó có thể mua sắm một lúc nên họ tranh thủ lúc này, lúc kia cũng dễ hiểu thôi. Nếu cả vợ cùng chồng “động tâm hiệp lực” thì tốt quá, không, vẫn có người bị cho ra rìa đấy. Ai thế? Anh chàng Hiếu, bồ tèo của tôi chứ ai.
Hắn tâm sự: “Thấy bà xã tất bật, tớ sốt ruột quá cũng muốn “xắn tay áo” gánh vác nhưng mỗi lần hỏi đến, bả đều xua tay nhăn mặt: “Ối dào, chuyện bếp núc đàn bà, anh có biết gì đâu?”. Thế là tớ cụt hứng”. Vâng, dẫu sốt ruột nhưng rồi muốn giúp cũng khó. Lúc thấy vợ chở về nhà lỉnh kỉnh thức ăn nào chả giò, tôm cá, thịt, bánh chưng; khi lại mua thêm gạo nếp, bánh trái, nhang đèn… Chỉ tự tay “nửa này” mua sắm, không cần hỏi đến “nửa kia” một câu. Tự ái ghê. “Thế thì, tớ là ai trong nhà này?”, Hiếu gào lên ra bộ tâm tư lắm.
Nhiều người có tâm lý, những chuyện gì hễ mình làm được thì chẳng cần nhờ cậy đến chồng/vợ. Có như thế là càng khỏe, còn hơn bị “kỳ đà cản mũi” hễ mua cái gì cũng cản, cũng bàn lui.
Thì anh rể của tôi đó, ai đời, vào những ngày cuối năm, bà chị ruột bận rộn, tất bật thế kia nhưng anh vẫn cứ bình thản như không. Tôi dò hỏi: “Ủa, sao anh không phụ chị một tay?”. Đang lúi cúi dưới bếp, chị tôi nghe được, liền nói vọng lên: “Đi chung với ảnh hễ mua cái gì, ảnh cũng bảo nhà mình có rồi, sắm thêm làm chi cho nhiều. Nghe có lọt lỗ tai không?”.
Đó là lý do mà bà chị tôi một mình đi chợ Tết là vậy. Và lý do này khá phổ biến cho nhiều nhà. Tôi còn nhớ Tết năm kia, vợ chồng tôi suýt bất hòa cũng vì cành đào. Nghe có kỳ cục không? Rằng, mọi năm hễ Tết đến thì trong nhà đều chưng mai vàng nhưng năm đó, do xem chương trình văn hóa trên truyền hình, tôi đâm ra khoái hoa đào quá. Thế là phải gọi điện thoại ra Bắc năn nỉ, nhờ bạn bè tìm mua giúp cho bằng được. Phải mất bao nhiêu công đoạn, mới có được cành đào như ý, đúng là “của một đồng, công một nén”.
Sở dĩ, tôi lẳng lặng thực hiện mà không “thông qua” vợ vì biết cô nàng cực kỳ “kẹo kéo”. Hễ những gì liên quan đến tiền mà thấy không cần thiết là cản ngay, nhất là khoản chi phí phải chuyển cành đào bằng đường máy bay. Thế thì, cứ một mình quyết định luôn, có phải tốt hơn không?
Những tưởng lúc nhìn thấy nhành đào đỏ rực phòng khách, chắc vợ sẽ sung sướng mà khen tới tấp, nào ngờ, cô sụ mặt: “Sao lại đào mà không là mai hả anh?”. Câu hỏi này… tầm thường quá, tôi không buồn phân tích, chỉ cười khà khà: “Cái gu thưỏng thức nghệ thuật có tính sáng tạo là gì? Là năm nay phải khác năm trước. Hiểu chưa cưng?”. Chẳng rõ, cô nàng có hiểu hay không, dăm ngày sau, đã cận Tết lắm rồi, lúc đi làm về lúc mở cửa bước vào nhà, tôi đã thấy cây mai đứng sừng sững bên cạnh cành đào! Tôi “đứng hình” luôn.
Mới đây, lúc tôi đang dọn dẹp nhà cửa, cậu em rể gọi điện thoại: “Anh sang nhà em gấp, uống lai chút đỉnh cho xôm tụ”. “À, lại chuyện tất niên, tiệc tùng cuối năm chứ gì?”, nghe tôi hỏi, hắn ta trả lời: “Không phải anh ạ. Uống mừng nhà em vừa khai trương cái siêu thị nho nhỏ”. Trời, tôi ngạc nhiên tợn. Làm gì có chuyện này, nếu có thì tại sao trước đây không nghe ai nói một câu? Lạ quá đi mất. Tôi phóng xe đi ngay. Khi đến nơi, cậu em rể dẫn luôn xuống nhà bếp và khoe: “Đây, công trình vui xuân đón Tết của vợ em”.
Thú thật, tôi choáng luôn. Vật dụng bếp núc, trang hoàng nhà cửa, thức ăn thức uống hầm bà lằng không thiếu thứ gì, chật cả nhà bếp. Tôi lắp bắp: “Mua làm gì nhiều thế này?”. Hắn ta cười như mếu: “Anh hỏi em thì em biết hỏi ai?”. Câu trả lời ấy cho biết, ngay cả cậu em rể cũng không biết nốt, bởi mỗi cô em tôi quyết định. Và không khác gì bạn Hiếu của tôi, hắn ta cũng bày tỏ cái mặt xụi lơ như nói khẽ: “Thế thì, em là ai trong nhà này?”.
Có một điều thú vị là những mâu thuẫn này, chẳng gì phải trầm trọng lắm đâu. Hễ nghe đến lời cằn nhằn của “nửa này” thì “nửa kia” lại chống chế một câu nghe rất quen: “Tết mà”. Hai từ đó, có thể xoa dịu ngay mọi việc dẫu tình hình rất ư tình hình. Đúng thế, việc lẳng lặng mua sắm nọ kia đến mức “vung tay quá trán” cũng dễ dàng có sự cảm thông, vì mục đích cuối cùng cũng là “nhà mình ăn Tết”, chứ có mất đi đâu là lo?
Riêng về cái vụ cành đào, tôi cảm thấy khó xử quá. Chẳng lẽ trong phòng khách vừa chưng mai lẫn chưng đào?
May sao, lúc đó, bỗng dưng tôi thông minh đột xuất, rút kinh nghiệm lần trước bèn điện thoại hỏi ý kiến vợ: “Này cưng, anh tặng lại cành đào cho ba nhé?”. Bỗng nghe trong điện thoại một tràng cười giòn như pháo Tết. Thế là happy rồi. Dù trong nhà không còn cành đào mà mình yêu thích, bù lại mấy ngày Tết năm đó, tôi được ông già vợ khen trước mặt khách khứa: “Thằng rể nhà tôi có con mắt mỹ thuật quá. Nó mua tặng đấy”. Nghe mát cả ruột.