Lặng lẽ đò đưa…

10:26 | 20/11/2022;
Nghề giáo được ví như người đưa đò, qua bao mưa nắng thời gian, luôn miệt mài và cần mẫn. Lớp lớp học trò lần lượt qua sông và thầy cô gửi gắm biết bao hy vọng...

Không phải ngẫu nhiên mà nghề giáo xưa nay luôn được coi trọng bằng nhận định "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý"; cùng với đó, cổ nhân không quên răn dạy các thế hệ học trò "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Để thấy rằng, người thầy cùng viên phấn, bục giảng nắm giữ sứ mệnh thiêng liêng, cao cả biết nhường nào…

"Nghề cao quý!" - lời xưng tụng ấy gắn liền với trách nhiệm lớn lao, lòng tự hào đi cùng nghĩa vụ và ý thức cống hiến. Không rõ danh xưng này ra đời từ bao giờ, nhưng ít nhiều có vẻ thiếu công bằng với các ngành nghề khác. Tôi cũng là nhà giáo, và tôi trân trọng mọi nghề nghiệp lương thiện khác, từ nghề lao công, bảo vệ cho đến nội trợ hoặc lao động bình dân…

Ở nước ta, vị trí của người thầy xưa nay gắn liền với đạo lý ngàn đời của một dân tộc chịu ảnh hưởng đậm nét triết lý Nho giáo "trọng thầy mới được làm thầy", "muốn sang thì bắc cầu kiều/muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Một khái quát trọn vẹn, đủ đầy về tầm vóc và giá trị nghề giáo. Muốn nên người thì trẻ phải đến trường, được thầy dìu dắt từ những buổi đầu ê a tập đọc tập viết cho đến những công thức, định lý, những bài văn bài thơ giúp bồi bổ trí tuệ, hun đúc nên nhân nghĩa cuộc đời. Quả thực, "không thầy đố mày làm nên"!

Nghề giáo được ví như người đưa đò, qua bao mưa nắng thời gian, luôn miệt mài và cần mẫn. Lớp lớp học trò lần lượt qua sông và thầy cô gửi gắm biết bao hy vọng, những mong chúng ra đời trưởng thành, lớn khôn, trở thành người có ích cho xã hội. Niềm hạnh phúc của người thầy thật giản dị, ấy là mỗi khi thấy học trò mình thành công, giỏi giang, có những cống hiến thiết thực cho đời. Cũng có đôi lúc thầy lại chạnh lòng, trầm ngâm khi có đứa học trò chưa ngoan, phạm nhiều lầm lỗi.

Thầy giữ cho riêng mình những ưu tư thầm lặng, dằng dặc đêm dài bên trang giáo án, trăn trở trên những bài thi, mủi lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh éo le của những đứa học trò thiệt thòi, mất mát. Một chữ thầy thôi mà thiêng liêng, cao cả biết nhường nào. Qua thăng trầm năm tháng, vượt lên những lo toan áo cơm và cám dỗ vật chất đời thường, dẫu đồng lương eo hẹp nhưng khát vọng của thầy, niềm tin và lý tưởng của thầy mãi luôn ngời sáng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xã hội ngợi ca thầy, tôn vinh thầy không nằm ngoài sự trân trọng và biết ơn, "cơm cha, áo mẹ, chữ thầy" mãi còn nguyên giá trị. Chợt nhớ một câu nói tôi từng đọc ở đâu đó: "Dù anh là ai, kỹ sư hay bác sĩ, chính khách hay vĩ nhân, anh đã từng có một người thầy". Thầy như người cha người mẹ thứ hai, với thiên chức và nghĩa vụ cao cả, uốn nắn, chở che, dẫn dắt con trẻ vào đời.

Đâu đó trong bối cảnh xã hội hiện đại, ta từng chứng kiến những câu chuyện đau lòng khi còn những học trò nhận thức hạn chế, nông nổi, khờ dại dẫn đến thất lễ với thầy. Đâu đó còn những phụ huynh cư xử thiếu thiện chí mỗi lúc chưa hài lòng về cách dạy dỗ của trường lớp. Hơi ai hết, thầy là người buồn nhất, day dứt nhất. Nhưng hãy tin, đó là thiểu số, là mặt trái hiếm hoi của những nghĩ suy chưa thấu đạt, để thấy rằng sự học và vai trò của người thầy to lớn biết bao nhiêu.

Cái nghề mà nơi đó có những con người gắn bó vì lý tưởng, vì tình yêu bằng sứ mệnh trồng người cao cả, được xã hội tôn kính gọi họ là "những kỹ sư tâm hồn", điều giản dị ấy đã làm nên hạnh phúc. Và có một điều chắc chắn rằng, nếu tình yêu không đủ lớn, nếu thiếu nhiệt huyết và đức hy sinh, việc làm thầy sẽ vô cùng gian khó.

Chẳng mong được trả ơn, không chờ được ghi nhận. Tôi và đồng nghiệp của mình, với thiên chức thiêng liêng, bằng trí tuệ và lương tâm nhà giáo sẽ vẫn miệt mài những chuyến đò lặng lẽ đưa lớp lớp học trò cập bến tương lai…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn