Sự ra đời của Phong trào Làng mới
Hàn Quốc là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 4 Châu Á và thứ 15 trên thế giới (năm 2012). Quá trình phát triển kinh tế của Hàn Quốc được mệnh danh là “Kỳ tích sông Hàn”. Để có được nền kinh tế được cả thế giới biết đến này, Hàn Quốc đã áp dụng chiến lược phát triển kinh tế hướng ngoại, sử dụng xuất khẩu làm động lực tăng trưởng và đóng góp nhiều cho sự chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế của quốc gia.
Về phát triển nông thôn, Hàn Quốc cũng nổi tiếng với “Phong trào Làng mới” (Saemaul Undong). Những năm 60-70, Hàn Quốc là một nước kém phát triển trên thế giới, được nhận xét là xã hội “thờ ơ, hỗn độn và vô vọng”, đói nghèo là điểm nổi bật, rượu, cờ bạc tràn lan, người dân mất hy vọng vào tương lai, trông chờ vào viện trợ từ bên ngoài, hạ tầng cơ sở nghèo nàn. Đến năm 1970, 80% người dân nông thôn phải sống trong nhà mái lá và 80% không có điện thắp sáng, vẫn phải dùng đèn dầu. Trong khi đó, giá lao động nông nghiệp và đất đai nông thôn khá rẻ; chính sách sản xuất sản phẩm thay thế nhập khẩu và phát triển công nghiệp tạo ra nhiều vật tư xây dựng cơ bản như xi măng, sắt thép thừa tồn kho.
Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee (ngoài cùng bên trái) với phong trào đổi mới nông thôn Hàn Quốc – Saemaul Undong. |
Trước thực tế đó, “Phong trào Làng mới” được khởi xướng từ thập niên 70 bởi Tổng thống Park Chung Hee. Đây là phong trào phát triển nông thôn và cộng đồng hướng tới cải thiện điều kiện sống cho người dân thông qua cải thiện thu nhập, hạ tầng, môi trường, xây dựng cộng đồng với sự tham gia của người dân và hỗ trợ của chính phủ, phát triển kinh tế gắn với văn hoá.
Trong tiếng Hàn Quốc, “saemaul” là một từ ghép. “Sae” có nghĩa là mới, tốt hơn; “maul” có nghĩa là ngôi làng – đơn vị hành chính chỉ một khu vực cụ thể của cộng đồng. “Saemaul” là hướng tới một cộng đồng sống mới hơn, tốt đẹp hơn. “Saemaul undong” là phong trào tổng động viên toàn thể cộng đồng cùng chung tay cải tổ, thay đổi và phát triển cộng đồng mới hơn, tốt đẹp hơn.
“Phong trào Làng mới” được Chính phủ triển khai trên quy mô toàn quốc, phần lớn dựa vào những yếu tố có sẵn (như lực lượng lao động, đất đai, vật tư tồn kho) để tạo ra công ăn việc làm cho người lao động nông thôn, vừa kích cầu tiêu thụ sản phẩm cho công nghiệp vừa xây dựng được cơ sở hạ tầng ở nông thôn trong thời gian ngắn, tạo ra thế và lực mới cho phát triển nông nghiệp nhưng chủ yếu là tạo ra “cú hích đột phá” tác động vào tư tưởng người nông dân.
(Còn nữa)