'Làng mới' và sự phát triển thần kì của Hàn Quốc (P5)

20:00 | 01/04/2016;
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Phong trào Làng mới (Saemaul undong) cách đây hơn 40 năm không những làm thay đổi diện mạo đất nước Hàn Quốc mà còn tạo nên sự phát triển thần kì của quốc gia này. Trong sự phát triển ấy có đóng lớn của phụ nữ Hàn Quốc.

Vai trò của phụ nữ trong Phong trào Làng mới

4.jpg
Phụ nữ làm nghề phụ để tăng thu nhập. 

                      LẦN ĐẦU CÓ SỰ THAM GIA SÂU RỘNG CỦA PHỤ NỮ VÀO HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI

Một trong những mục tiêu lớn của phong trào là nhằm xóa đói giảm nghèo mà hơn ai hết phụ nữ là người phải chịu đựng. Nhiều phụ nữ nhận thấy nguyên nhân của đói nghèo ở khu vực nông thôn chính là sự lười nhác, là nạn nghiện rượu, cờ bạc của nam giới… Phụ nữ cũng là những người khôn khéo trong quản lý gia đình, có khát vọng và nhiều sáng kiến để vượt qua đói nghèo, các phong tục tập quán lạc hậu và thích ứng nhanh với sự thay đổi.

Các dự án cải thiện điều kiện sống đã thực sự đáp ứng nguyện vọng và tăng cường sự tham gia của phụ nữ. Chính vì vậy, ngay từ đầu Phong trào Làng mới, phụ nữ đã là những người tham gia nhiệt tình và tích cực hơn nam giới. Phụ nữ tích cực tham gia vào các dự án về Cải cách đời sống tinh thần (cải thiện môi trường văn hóa nông thôn, phát triển kỹ năng, đào tạo kỹ thuật...); Cải thiện điều kiện sống (Tiết kiệm, cải thiện lương thực thực phẩm, quần áo ăn mặc và nơi ở; Quản lý, vận hành trung tâm trông trẻ ban ngày vào ngày mùa bận rộn…); Nâng cao thu nhập (Dự án hợp tác tăng thu nhập: gây quỹ, cho thành viên vay vốn ngắn hạn đầu tư sản xuất nông nghiệp; Quản lý vận hành chợ, cửa hàng của làng để tạo thu nhập).

4.jpg
Phụ nữ tham gia tích cực vào các hoạt động của phong trào Làng mới

Qua việc tham gia vào các dự án này, phụ nữ đã đóng góp to lớn đối với thành công của Phong trào Làng mới. Chính phủ và các cơ quan, tổ chức ở Hàn Quốc đều ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong xây dựng nông thôn, từ khâu bàn bạc, lập kế hoạch đến triển khai thực hiện, vận động người thân tham gia các hoạt động, bản thân phụ nữ cũng tích cực cống hiến trong các hoạt động cộng đồng. Đây là phong trào đầu tiên ghi nhận sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động xã hội, thông qua đó, người phụ nữ được nâng cao quyền năng trong xã hội.

Trong hệ tư tưởng phụ hệ của Nho giáo, những người phụ nữ nông thôn không thể nói lên tiếng nói của mình. Nhưng với phong trào Làng mới, tổ chức Hội phụ nữ ra đời và thực hiện nhiều hoạt động đa dạng đã giúp họ được nhìn nhận dưới tư cách một chủ thể tích cực, có đóng góp thực hiện. Hội phụ nữ Saemaul đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nam giới - những người mang nặng tư tưởng cổ hủ không coi trọng phụ nữ với tư cách là một chủ thể kinh tế - xã hội phải nhìn nhận lại năng lực tiềm tàng của phụ nữ. Đặc biệt, những người lãnh đạo nữ Saemaul đã nhận được sự công nhận của quốc gia, và cái nhìn của cộng đồng đối với những người lãnh đạo nữ đã qua các khóa tập huấn của chính phủ cũng phải khác đi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn