'Làng mới' và sự phát triển thần kì của Hàn Quốc (P6)

08:00 | 02/04/2016;
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Phong trào Làng mới (Saemaul undong) cách đây hơn 40 năm không những làm thay đổi diện mạo đất nước Hàn Quốc mà còn tạo nên sự phát triển thần kì của quốc gia này. Trong sự phát triển ấy có đóng lớn của phụ nữ Hàn Quốc.
            VAI TRÒ HỘI PHỤ NỮ TRONG PHONG TRÀO LÀNG MỚI

Tổ chức Hội phụ nữ với các hội viên trong độ tuổi từ 20 đến 60. Theo Quy chế, Hội có Ban điều hành gồm 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch, 1 giám sát, 1 Chánh văn phòng và một số trưởng các ban, đơn vị cùng các cố vấn. Ban điều hành có nhiệm kỳ 2 năm. Trong hầu hết các trường hợp, các hội viên hoạt động tích cực nhất trong Hội phụ nữ là các hội viên ở độ tuổi 30. Họ phát huy những ý tưởng đa dạng và khả năng lên kế hoạch, tham gia tích cực vào các hoạt động như cửa hàng trao đổi sản phẩm, sản xuất đặc sản, nghề phụ… Còn các hội viên cao tuổi hơn thì chủ yếu làm nhiệm vụ đứng đằng sau hỗ trợ.

1.jpg
 Ảnh minh họa.

Các ban của Hội phụ nữ có thể được thay đổi tùy theo quy mô các dự án của Hội, tuy nhiên về cơ bản bao gồm Ban tiết kiệm, ban cải thiện môi trường/ cuộc sống, ban gia đình, ban giáo dục, ban tăng thu nhập:

- Ban tiết kiệm quản lí quỹ tiết kiệm ngắn hạn, kho thóc, quỹ làng, trung tâm thu góp phế phẩm; và nghiên cứu phát triển các phương án giúp hợp lý hóa chi tiêu trong cuộc sống.

- Ban cải thiện môi trường/cuộc sống đảm nhiệm việc cải thiện môi trường, cải thiện đời sống ăn - mặc - ở của người dân, cải thiện dinh dưỡng, quản lí nhà trẻ theo mùa vụ, quản lí cửa hàng trao đổi sản phẩm.

- Ban gia đình chỉ đạo một cách hệ thống vấn đề y tế cho bà mẹ và trẻ em, nghiên cứu phát triển thực hiện các phương án về y tế cộng đồng.

- Ban giáo dục chỉ đạo thực hiện các phép tắc trong gia đình, dự án đào tạo vì gia đình lành mạnh, dự án văn hóa phúc lợi nông thôn và dự án tình nguyện xã hội…

- Ban tăng thu nhập chủ yếu thực hiện các dự án phát triển nông lâm ngư nghiệp, phát triển nghề phụ, phát triển khu vực và các dự án liên quan đến thu nhập.

Từ năm 1971, các nhóm phụ nữ nông thôn đã được tái tổ chức với các tên Hội phụ nữ và số lượng hội viên cũng tăng lên nhanh chóng. Từ 2.572 nhóm năm 1970 đã tăng lên thành 9.472 vào năm 1971, tức tăng gấp 3,6 lần; số lượng Hội viên cũng tăng gấp 3,8 lần. Sau 10 năm thực hiện phong trào Làng mới, số lượng Hội phụ nữ đã tăng lên 33 lần với con số 84.693 hội và số lượng hội viên tăng gấp 36 lần.

Với số lượng hội viên tăng nhanh như vậy, Hội phụ nữ đóng vai trò tiên phong trong việc thực hiện các dự án quan trọng như hiện đại hóa, tăng thu nhập, cải thiện môi trường. Họ đi đầu trong việc cải cách tư tưởng và thái độ sống còn cũ kĩ trong gia đình và cộng đồng, lên kế hoạch và thực hiện các dự án đa dạng nhằm tăng thu nhập, tích cực tham gia hoạt động cải thiện môi trường vì cộng đồng. Là phụ nữ, nhưng họ sánh vai cùng nam giới tham gia các hoạt động như khai phá ruộng đất, mở rộng đường làng, xây cầu… Từ những việc chân tay nặng nhọc như trộn xi măng, vận chuyển gạch và sắt théo, và còn giúp thức tỉnh những người chồng hay những người đàn ông trong làng đang bị sa đà vào rượu hay cờ bạc mà quên đi công việc. Mặt khác, họ biết tận dụng lợi thế khéo léo của bàn tay phụ nữ để làm các nghề phụ như thêu thùa, may tất, làm các sản phẩm gia dụng… góp phần quan trọng vào việc tăng thu nhập cho gia đình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn