'Làng mới' và sự phát triển thần kì của Hàn Quốc (P7)

15:00 | 02/04/2016;
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Phong trào Làng mới (Saemaul undong) cách đây hơn 40 năm không những làm thay đổi diện mạo đất nước Hàn Quốc mà còn tạo nên sự phát triển thần kì của quốc gia này. Trong sự phát triển ấy có đóng lớn của phụ nữ Hàn Quốc.

              PHỤ NỮ VỚI VIỆC HIỆN ĐẠI HÓA GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG

Giúp phụ nữ có được sự dân chủ

Phong trào Làng mới đã giúp những người phụ nữ ở nông thôn sau một thời gian dài bị áp bức có cơ hội được nói tiếng nói của mình, không chỉ vậy còn tạo cơ sở giúp họ có thể tự lên kế hoạch và thực hiện những dự án của chính mình.

hnh-nh-ngi-ph-n-trc-khi-c-phong-tro-lng-mi.jpg
 Hình ảnh phụ nữ nông thôn Hàn Quốc trước khi có Phong trào Làng mới.

Những người lãnh đạo của Hội phụ nữ Saemaul cũng giống như những người lãnh đạo chung của cuộc vận động Saemaul, đứng trên lập trường dân chủ để thực hiện các dự án. Các lãnh đạo nữ với các kinh nghiệm của mình hiểu rõ bất cứ dự án nào nếu không có sự đồng thuận của cả cộng đồng đều rất khó thực hiện, nên để có thể nhận được sự đồng ý của hội viên phụ nữ, họ ưu tiên việc xây dựng quy chế và căn cứ vào quy chế đó để thực hiện các dự án.

Các dự án của Hội phụ nữ đều được thực hiện trên cơ sở căn cứ chặt chẽ vào quy chế nêu trên. Các tài sản tiết kiệm được từ lợi nhuận của dự án, căn cứ vào“Quy chế quản lý tài sản Saemaul” sẽ được quản lí sau khi đã có sự thống nhất với Hội đồng làng. Điều này cho thấy việc đảm bảo về mặt hình thức và chế độ quy trình quyết định dân chủ cùng chủ nghĩa dân chủ cơ bản. 

Thông qua các chế độ và quy định pháp luật đảm bảo sự tham gia của người dân trong làng và hội viên Hội phụ nữ, các tài sản được quản lí một cách minh bạch nên giúp giảm thiểu các mâu thuẫn liên quan đến tài sản, người lãnh đạo thông qua sự đồng thuận chung của người dân có thể nâng cao lợi nhuận, phát triển và mở rộng dự án trong cộng đồng.

Dung hòa với các giá trị truyền thống

Mục tiêu quan trọng nhất đối với họ là khắc phục đói nghèo và có cuộc sống ấm no, để đạt được mục tiêu này họ tự giải thoát mình khỏi thói quen thụ động của những người phụ nữ nông thôn ngày xưa mà tự đặt mục tiêu kiếm tiền, sinh lời và một cách tự nhiên lấy đó làm mục tiêu sống.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên, tinh thần chủ động kiếm tiền của họ đã bị những người dân trong làng, đặc biệt là nam giới dèm pha, chỉ trích.

Để khắc phục những dèm pha chỉ trích của dân làng, các lãnh đạo nữ đã đưa ra phương án khắc phục bằng cách công khai cách kiếm tiền của mình và thuyết phục mọi người cùng tham gia các hoạt động kinh doanh. Bằng cách đó, họ đã tạo nên không khí thực hiện dự án trong cộng đồng và giúp đạt lợi nhuận không chỉ cho cộng đồng mà cho chính cá nhân mình. Phương pháp tiêu biểu nhất được sử dụng là trả các khoản lợi nhuận từ các dự án cộng đồng về số tài khoản cá nhân. Người dân trong làng khi nhìn những khoản tiền ngày một nhiều lên trong sổ tài khoản đều thấy được rõ thành quả lao động của mình.

“Tư tưởng về chữ hiếu” có thể nói là chìa khóa quan trọng giúp giải quyết mâu thuẫn giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Theo quan điểm truyền thống, người phụ nữ ra ngoài kiếm tiền là một việc đáng xấu hổ. Bố mẹ chồng không thể chấp nhận người con dâu bỏ con đói ở nhà để ra ngoài làm những việc lao động chân tay. Đặc biệt họ không có cảm tình đối với việc Hội phụ nữ lãnh đạo những dự án cải thiện cuộc sống gia đình. Để giải quyết những mâu thuẫn giữa các thế hệ này, những người lãnh đạo nữ đã sử dụng phương thức “hiếu thảo”. Họ mời những “bố mẹ chồng cảm thấy bị xa lánh” tới và đưa họ đi ngắm khung cảnh với các bữa cơm thân mật, hoặc định kỳ tổ chức tiệc trong làng để thết đãi các bậc cao tuổi, giúp các thế hệ có thể giao tiếp với nhau.

Có thể nói đặc điểm nổi bật của các nhà lãnh đạo nữ Saemaul là sự kết hợp giữa tính cộng đồng, tính gia đình và tính chủ động, năng động. Họ nắm bắt được các phương pháp hiệu quả để giảm thiểu các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình áp dụng những giá trị mới vào cuộc sống và nỗ lực đạt được tối đa các mục tiêu cá nhân. Tất nhiên, trong quá trình này không thể phủ nhận những nỗi đau về thể chất và tinh thần và sự hi sinh mà họ đã phải trải qua. Nhưng với những nỗi đau và sự hi sinh đó, họ đã nhận được vị trí chỉ huy trong xã hội và nhận những phần thưởng xứng đáng.

Nhấn mạnh thái độ sống không tham lam.

Những lãnh đạo nữ Saemaul đã cùng thống nhất kết hợp khái niệm về lợi nhuận và thời gian hiện đại, dùng cách nói “cần cù, trung thực, tiết kiệm” để nhấn mạnh thái độ sống không tham lam. 

Họ coi việc làm việc một cách cần cù, trung thực là chân lí và các nhà lãnh đạo nữ có kinh nghiệm thực hiện các dự án tăng thu nhập trước hết tìm sự đồng thuận của các hội viên phụ nữ, sau đó bắt đầu từng bước thay đổi thái độ sống của nam giới. Đặc biệt tổ chức cộng đồng có tên Hội phụ nữ đã giúp cải thiện một cách có hệ thống lối sống vô tổ chức của nam giới và thói quen cờ bạc. Phụ nữ từng bước phổ biến thái độ sống không tham lam cho người dân, giúp mỗi người tự biến nó thành thói quen của chính mình.

Những nhà lãnh đạo nữ quán triệt thái độ sống không tham lam, họ cố gắng không lãng phí thời gian tiền bạc, thậm chí có những lúc phải chịu cả những đau đớn về thể chất. Họ kiên trì với vai trò của mình, vượt trên tất cả khó khăn để đạt được mục tiêu cuối cùng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn