'Làng mới' và sự phát triển thần kì của Hàn Quốc (P8)

08:00 | 03/04/2016;
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Phong trào Làng mới (Saemaul undong) cách đây hơn 40 năm không những làm thay đổi diện mạo đất nước Hàn Quốc mà còn tạo nên sự phát triển thần kì của quốc gia này. Trong sự phát triển ấy có đóng lớn của phụ nữ Hàn Quốc.

                                 NÂNG CAO THU NHẬP CHO PHỤ NỮ

Dự án nâng cao thu nhập có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở để người phụ nữ có thể nói lên tiếng nói của mình trong cộng đồng làng xã. Tất nhiên dự án nâng cao thu nhập khá phù hợp với mục đích chung của cuộc vận động Saemaul là cải thiện cuộc sống, nhưng bên cạnh đó nó còn có ý nghĩa giúp những người phụ nữ vốn trước nay chỉ làm nhiệm vụ người mẹ, người vợ, người con dâu trong gia đình cũng có thể tự kiếm tiền và tham gia vào các hoạt động kinh tế và tự tin về vai trò quan trọng của mình đối với kinh tế gia đình và làng xã. Trong quá trình này, khả năng lãnh đạo của các nhà lãnh đạo nữ Saemaul đã được phát huy 100%, những người phụ nữ tham gia dự án đã cùng tìm tòi những phương pháp đa dạng để nâng cao thu nhập.

Dự án gian hàng bán sản phẩm

Dự án gian hàng bán sản phẩm là dự án được nhắc tới nhiều nhất. So với việc học hỏi qua truyền khẩu và ghi chép, dự án gian hàng bán sản phẩm hướng tới đối tượng trung tâm là các hội viên phụ nữ trẻ, tạo cho họ môi trường học tập để có nhận thức mới về lợi nhuận, trên cơ sở trích lại một phần từ nguồn thu trả lại cho cộng đồng.  

Những nhà lãnh đạo nữ với việc xây dựng nên các gian hàng tập thể để bán các sản phẩm của mình, giúp người dân trong làng không cần phải đi xa mà vẫn mua được các sản phẩm với giá rẻ. Trong dự án này cần có sự ủng hộ của các hội viên phụ nữ bằng việc đóng góp sức lao động mà không nhận lương. Các hội viên phụ nữ thay phiên nhau 2 tuần 1 lần chịu trách nhiệm quản lí gian hàng, tổng kết lãi rồi chuyển cho phiên làm việc tiếp theo.

Dự án gian hàng bán sản phẩm không chỉ dừng lại ở các đồ gia dụng cần cho cuộc sống mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực có thể sinh lợi nhuận. Thu nhập thu từ gian hàng bán sản phẩm và các quán rượu của làng sẽ được góp vào quỹ chung của làng để sử dụng cho các dự án khác, đồng thời cũng được chia cho các cá nhân tham gia. Với việc chia lợi nhuận cho các cá nhân, sẽ giúp tạo động lực tham gia tích cực và đặc biệt góp phần nâng cao thu nhập của phụ nữ. 

Với việc tăng số lượng và tăng nguồn vốn vận hành gian hàng mua bán sản phẩm, các ngành nghề đa dạng đã được phát triển và lợi nhuận thu được từ hoạt động này đóng góp một phần không nhỏ trong tổng thu nhập của gia đình. Có thể đánh giá hoạt động nâng cao thu nhập của Hội phụ nữ đã có ảnh hưởng lớn tới kinh tế gia đình cũng như kinh tế cộng đồng.

Khai phá đất canh tác

Những nhà lãnh đạo nữ cùng với việc kiếm thêm thu nhập cho chính mình còn muốn đóng góp vào sự giàu có của làng xã, nên đã lên danh mục các mảnh đất hoang, đất cằn để cùng khai phá.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đất đai là nguồn tài nguyên quý hàng đầu. Do đó, việc khai phá đất hoang, mở rộng diện tích đất canh tác là cơ sở quan trọng để tạo nên sự thịnh vượng cho làng xã. Những người phụ nữ đã cùng chồng con đi tới những vùng núi đồi để khai phá, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc để tạo nên nguồn thu nhập. Hiểu được ý nghĩa thiết thực của hoạt động này, các nhà lãnh đạo nữ đã không ngừng phổ biến những kiến thức thu nhận được qua các khóa bồi dưỡng về đơn vị làng xã của mình để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Với ý chí “Bằng sức lực của mình hãy biến đất hoang thành đất nhà! Chỉ cần 3 năm thôi!”, trong một năm có làng đã khai phá được 17,000m2 đất (5000 pyeong theo đơn vị tính diện tích của Hàn Quốc)

Các nhà lãnh đạo nữ đã mang kiến thức, kinh nghiệm của mình được học để áp dụng vào các dự án chung của làng, qua đó tăng nguồn lợi nhuận thu được. Quá trình tăng thu nhập của cộng đồng làng bằng những tri thức khoa học được đúc rút từ kinh nghiệm của mình sẽ giúp họ xóa bỏ hình ảnh người phụ nữ “cứng rắn, đáng sợ”, mặt khác cũng giúp họ khẳng định mong muốn kiếm “tiền” hay “lợi nhuận” là mong muốn thành thật và chính đáng, không đáng bị chê bai, dè bỉu.

3.jpg
Diện mạo nông thôn Hàn Quốc đã thay đổi rất nhiều

Nghề phụ

Có nhiều trường hợp các nhà lãnh đạo nữ Saemaul liên kết thành các tổ nhóm, doanh nghiệp để thu hút hoạt động của Hội phụ nữ hay giúp hội viên phụ nữ nâng cao thu nhập.

 Một ví dụ tiêu biểu về một tuyên truyền viên vốn là giáo viên được chính quyền địa phương bổ nhiệm thành lãnh đạo nữ Saemaul. Bà tận dụng khả năng khéo léo của bản thân để làm các sản phẩm thủ công mĩ nghệ, từ đó phát triển các dự án nâng cao thu nhập lúc nông nhàn tại làng của mình, sau đó cùng các hội viên phụ nữ sản xuất túi xách, cài áo..., thương mại hóa các sản phẩm của mình. Với kinh nghiệm thương mại hóa từ những sản phẩm nhỏ nhất, bà nâng cấp sản phẩm lên thành ngành nghề thêu thùa phương Đông và bắt đầu sản xuất, kinh doanh các tấm bình phong thêu tay cho đối tượng kiều bào sống tại Nhật. Doanh nghiệp của bà xuất phát điểm là những dự án cấp làng nhưng đã khởi nguồn cho ngành nghề kinh doanh các sản phẩm đặc trưng như áo len, chăn lông cừu. Hiện nhà lãnh đạo nữ này vẫn đang duy trì và kinh doanh nhiều mặt hàng đa dạng tại địa phương của mình.

Bên cạnh những doanh nhân nữ có xuất phát điểm từ những nghề phụ để nâng cao thu nhập của cá nhân lúc nông nhàn như vậy, còn có nhiều hình thức kinh doanh đa dạng được thực hiên tại các đơn vị, địa phương khác nhau.

Làm sổ tài khoản

Trong xã hội nông thôn Hàn Quốc những năm 70 vốn đã quen thuộc với đói nghèo, do vậy người dân khó có thể tự có một sổ tài khoản của riêng mình. Họ luôn bị bó buộc trong nợ nần hoặc nếu may mắn thì chỉ đủ thu nhập để duy trì cuộc sống của gia đình. Với những người luôn mang trong mình suy nghĩ như thế, thì tiết kiệm là một câu chuyện quá xa vời. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc với cuộc vận động khuyến khích tiết kiệm và cuộc vận động phụ nữ Saemaul đã tạo nên khái niệm mỗi người một sổ tài khoản vào xã hội nông thôn với hứa hẹn nâng cao thu nhập và tiết kiệm tài sản. 

Các nhà lãnh đạo nữ thông qua việc tiết kiệm đã xây dựng quỹ làng và trên cơ sở đó tiến hành các dự án cấp làng, qua đó không ngừng nhấn mạnh với hội viên phụ nữ về sự quan trọng của tiết kiệm. Ví dụ điển hình là hình thức tiết kiệm qua việc xây dựng kho gạo, tức mỗi lần nấu cơm bớt lại một chút gạo. Sau một khoảng thời gian nhất định, số gạo để dành được sẽ tập hợp ở cấp làng và bán đi. Số tiền thu được sẽ được đưa vào sổ tiết kiệm.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn