Nhớ khi còn bé, nó chạy sà vào lòng hờn dỗi với tôi: “Ba thật kỳ lạ, ba không hiểu con nói gì phải không? Sao ba cứ hỏi con nhiều chuyện thế, ba thật đáng ghét!”. Hóa ra, con gái tôi lúc đó chỉ muốn được kể cho ba những chuyện buồn phiền nhưng ông bố vô tình lại tưởng con nhờ giải quyết việc gì đó.
Có lẽ điều cơ bản của cách nhìn, giải thích, trao đổi về một sự việc ảnh hưởng nhiều đến tâm sự giữa cha và con gái. Hầu hết những ông bố dường như thích được tìm hiểu câu chuyện và trao đổi thông tin khách quan, chứ không phải là tình cảm chủ quan. Nhưng con gái lại mong muốn được chia sẻ với cha bằng xúc cảm chứ không phải trao đổi thông tin đơn thuần. Vì lý do này dần dần con gái sẽ hình thành một thứ cảm xúc ngại chia sẻ với người khác giới đầu tiên trong cuộc đời - chính là cha mình.
Hầu hết các cô con gái đều rất tin cậy và gần gũi với cha. Ảnh minh họa: internet |
Điều đáng sợ nhất là thứ tình cảm khô khan này lại tích dồn vào thời điểm con gái đang ở tuổi dậy thì. Ở thời kỳ này, đa số con gái rất dễ bị ức chế cảm xúc. Chỉ cần một chàng trai có một chút cử chỉ tán tỉnh như thường xuyên gọi điện, hay có những lời nói quan tâm như “anh mang quà sáng cho em” là lý trí đã mất đi sự sáng suốt, tình cảm cứ thế nghiêng ngả theo.
Nếu như con gái vô thức chìm trong thứ cảm xúc muốn được quan tâm, coi mình là trung tâm của vũ trụ yêu thương thì điều đó càng khiến người lớn phải lo lắng. Bởi vì cơ sở của tình yêu không phải chỉ được xây dựng bằng sự hiểu biết lẫn nhau, bằng cách được người khác quan tâm... Một khi tình cảm ban đầu không còn tươi mới mà nhạt phai dần thì cảm giác suy sụp không ai mong muốn lại xảy ra lần nữa. Vậy ai có thể thay đổi sự phát triển câu chuyện tình cảm của con gái? Tất nhiên chỉ có người cha mới có thể làm điều này.
Xin hỏi các ông bố, con gái các vị có cảm giác là cha mình hiểu rõ tâm tư mình không? Con gái các vị liệu có thể hiểu thực sự những gì các vị nói không? Các vị có thể chia sẻ với con gái hay không?
Nếu như chưa thực sự hình thành rõ quan hệ tình cảm này thì xin vui lòng học cách chuyện trò tình cảm với con gái. Những tuyệt chiêu dưới đây giúp các ông bố thay đổi cách nói chuyện để gần gũi và yêu thương con gái mình hơn.
Thay đổi thói quen
Thay đổi kiểu nói chuyện rút ngắn nội dung, đi thẳng vào vấn đề và nhanh chóng kết luận trọng tâm. Trước tiên mở rộng cảm xúc “chuyện trò cởi mở”, sau đó “giải quyết vấn đề”, tuyệt đối đừng chọn những câu nói lạnh lùng và dễ chấm dứt câu chuyện như: “Thế rốt cuộc con muốn gì?” hay “Không được đi là không được đi, không nói nhiều!”... hoặc nói kiểu chưa bắt đầu đã muốn kết thúc như: “Chuyện này thì con đi mà nói với mẹ!”.
Lắng nghe
Tình thương là thứ tình cảm gần gũi đến mức cho con cảm giác rất an toàn. Hãy dựa vào tình huống lúc đó, dùng ngôn ngữ hoặc cử chỉ để bày tỏ rằng cha đang lắng nghe con gái nói. Những câu nói kiểu này sẽ thắt chặt tình cảm giữa cha và con gái: “Ba sẵn sàng nghe con nói!” hay “Ba nói chuyện với con rất vui” hoặc “Ba yêu con, nói chuyện với con thật thú vị”...
Truyền tải tình yêu thương
“Ba rất quan tâm con, ba muốn giúp con”, “Ba yêu con, ba rất vui được nói chuyện với con”... là cách nói biểu thị sự quan tâm, thương yêu của người cha dành cho con gái. Đó là cách yêu thương có điều kiện giúp cha con hiểu nhau hơn. Quá trình trò chuyện sẽ giúp người cha có thể hiểu con và quan trọng hơn là sẽ tăng sự gắn kết giữa cha và con, đó chính là mảnh đất màu mỡ giúp cho con gái nhận biết mình được yêu thương.
Học cách nói chuyện tình cảm với con gái không chỉ là con đường giúp con gái nhận được sự yêu thương của người cha mà bản thân các ông bố cũng sẽ trưởng thành hơn rất nhiều khi trao cho con những yêu thương.