Về thủ phủ của làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng – Đình Phú Gia những ngày đầu đông, cái rét căm căm như quấn vào da thịt nhưng dễ dàng cảm nhận được một nhịp sống yên bình của một làng quê trong phố. Nơi đây xưa kia vốn là một làng ngoại thành của Hà Nội nổi tiếng với loại gạo nếp thơm ngon, kết hợp với nước sông Hồng ngọt lịm để tạo thành những thức ăn vặt nổi tiếng - xôi chè, gạo nếp, bánh đa kê. Tranh thủ mỗi dịp nông nhàn, những người phụ nữ nơi đây thường chít khăn mỏ quạ, mặc quần nái đen, đi chân đất, đội thúng xôi trên đầu đi bộ vào nội thành rao bán ở chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua hay qua những con phố, ngõ cổ.
Từ đó mà hình thành nên nghề nấu xôi ở Phú Thượng, đến ngay cả người dân nơi đây cũng không rõ có từ bao giờ, nhưng đến nay đã truyền được 7 đời. Ông Hoàng Gia Lượng, Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cho biết, hiện tại trên địa bàn có khoảng 600 hộ nấu xôi, trong đó có 328 hộ tham gia Hội. Các hộ nấu xôi tập trung ở Cụm 1 - Cụm 8, trong đó từ Cụm 2 - Cụm 5 là nhiều nhất, cụ thể ở Cụm 4 có khoảng 190 hộ sống bằng nghề nấu xôi.
Những năm gần đây, kể từ khi Phú Thượng được công nhận là làng nghề truyền thống (2016) và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu làng nghề (2019) thì thương hiệu của làng nghề ngày càng được biết đến. Sản phẩm xôi giờ đây không chỉ được bán ở ngoài chợ, đường sá, ngõ hẻm, cổng trường học như trước…. mà còn được bày bán trang trọng trong các nhà hàng, khách sạn. Không chỉ phục vụ trên địa bàn Hà Nội mà còn cho các tỉnh lân cận (Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam), thậm chí có người làng Phú Thượng còn mang thương hiệu xôi lập nghiệp ở TP HCM. Qua đó, giá trị sản phẩm và sản lượng tiêu thụ ngày càng được nâng lên, trung bình mỗi năm sản lượng tăng từ 15 - 20%, đời sống của người nấu xôi cũng vì vậy mà khá giả và được quý trọng hơn trước.
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 những tháng đầu năm nay, từ tháng 4 - 5 các hộ dân phải nghỉ bán để thực hiện giãn cách xã hội, dẫn tới sản lượng tiêu thụ giảm từ 60 - 70%, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của các hộ dân phụ thuộc vào nghề này. Chia sẻ về câu chuyện này, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (50 tuổi), hộ nấu xôi ở cụm 4 cho hay, những ngày bình thường chị bán được khoảng 20kg, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch nên có ngày chị bán chỉ được gần 10kg, nhất là những tháng phải nghỉ thực hiện giãn cách xã hội thì hầu như gia đình không có thu nhập.
Được biết, chị Mai chuyển sang nghề nấu xôi đến nay đã năm thứ 10, trước đó chị có gần 20 năm nấu bánh đa kê. Địa điểm bán cố định của chị ở trong ngõ 110 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Cầu Giấy), phục vụ chủ yếu cho các đối tượng là công nhân, thu nhập những tháng chưa dịch được khoảng từ 6 - 7 triệu đồng.
Khác với chị Mai, chị Nguyễn Thị Dung (47 tuổi), hộ dân cụm 3, chị mới chuyển sang nghề nấu xôi từ tháng 7, trước đó chị vốn buôn hoa ở chợ Quảng Bá. Tuy nhiên, do chịu chung ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến việc buôn bán hoa lâm vào cảnh ế ẩm, nên nhân dịp này chị quyết định trở lại nghề nấu xôi. Cũng như chị Mai, vì sinh ra ở làng nghề nấu xôi, nên chị Dung cũng biết nấu xôi từ nhỏ, truyền đến đời chị là đời thứ 3. Địa điểm bán xôi của chị Dung hiện tại ở ngõ 78 Giải Phóng (phường Phương Mai, Đống Đa), phục vụ chủ yếu cho bệnh nhân và người nhà khi đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, điều trị.
Những ngày gần đây, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu của mọi người đối với sản phẩm này ngày càng tăng trở lại, nhưng thu nhập cũng chỉ ở mức 6 - 7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, có những hộ kết nối được với nhà hàng, khách sạn hoặc bán xôi cho đám cưới đám hỏi thì thu nhập trung bình được từ 15 - 20 triệu đồng.
Tuy thu nhập là vậy nhưng nhìn chung nghề bán xôi cũng là một nghề nhiều bụi bặm, vất vả sớm hôm. Để có xôi bán trong ngày, ngay từ chiều hôm trước, họ đã phải chuẩn bị các nguyên vật liệu, 12h đêm ngâm gạo, 3h sáng dậy nấu xôi, 5h sáng bắt đầu đi bán, đến khoảng 10h trưa thì nghỉ. Thời gian tuần tự như vậy, mùa đông cũng như mùa hè, trời mưa gió cũng như những ngày nắng gay gắt, người nấu xôi không cho phép mình ngơi nghỉ.
Có lẽ bởi vì vậy, không chỉ hai người con trai của chị Mai, mà cả hai người con gái của chị Dung cũng chưa có cháu nào chọn tiếp nối nghề này. Đây cũng là thực trạng chung của những người trẻ ở Phú Thượng.
Vào những ngày đông giáp Tết Tân Sửu 2021, cái lạnh buốt đến tận da thịt, những đôi bàn tay trần của các chị vẫn cần mẫn cho ra lò những thúng xôi nghi ngút khói, thơm lừng. Với các chị, tuy nghề này vất vả nhưng đâu đó vẫn có niềm vui. Đó là niềm vui khi được mang những gì tinh túy nhất của ẩm thực quê hương đến với mọi người, và được mọi người nhớ đến mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn