Căng thẳng, lo lắng, bức bối… có lẽ là tâm trạng của hầu hết những người tham gia giao thông ở các thành phố lớn. Đường xá hỗn loạn, nhiều rủi ro khiến vấn đề an toàn giao thông, văn hóa giao thông càng được nhiều người quan tâm hơn bao giờ hết. Đó cũng là một trong những yếu tố khiến chùm hài kịch Tốc độ xoay quanh chủ đề an toàn giao thông của Nhà hát Tuổi trẻ trở nên thu hút khán giả.
Chùm hài kịch Tốc độ được NSƯT Sĩ Tiến dàn dựng trên nền kịch bản của "Giáo sư Cù Trọng Xoay" – biên kịch Đinh Tiến Dũng. Tham gia biểu diễn có nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Đức Khuê, Vân Dung, Thanh Tú, Quang Ánh, Bá Anh, Quỳnh Dương, Thu Quỳnh, Mạnh Đạt...
4 tiểu phẩm Đường tắc mắc duyên, Bạn thân, Quán ân nhân, Sương mù là 4 câu chuyện riêng biệt nhưng đều gặp nhau ở việc phản ánh hiện trạng nhức nhối của văn hóa giao thông.
Trong đó, Bạn thân là câu chuyện về những người coi nhau như "anh em chí cốt", nhưng thực ra chỉ là thân trên bàn nhậu. Cứ gặp nhau là họ nhậu không biết đường về, biết bạn mình không uống được nhưng vẫn ép. Thậm chí khi bạn bị tai nạn, họ vẫn còn kéo nhau đến bệnh viện hò hét nhau nhậu tiếp. Với những triết lý của kẻ say, tiểu phẩm khiến người xem cười nghiêng ngả với lời thoại rất "cùn", nhưng đồng thời lại nghẹn ngào xót xa khi thấy tương lai của người vợ trẻ phải làm chỗ dựa cho anh chồng thương tật suốt đời…
Tiểu phẩm Đường tắc mắc duyên, kể về chàng cảnh sát giao thông lần đầu tiên ra mắt bố mẹ người yêu. Anh bị bố mẹ vợ tương lai "sát hạch" với những tình huống rất oái oăm như đã từng nhận tiền "mãi lộ" bao giờ chưa, "xin xỏ" đồng đội như thế nào khi bố mẹ vợ vi phạm luật giao thông… Tiểu phẩm cũng khéo léo cài cắm tinh thần, trách nhiệm của người chiến sĩ cảnh sát giao thông với sự hy sinh, vất vả thầm lặng của họ. Bữa cơm "ra mắt" vừa dọn, anh phải vội vàng đi thực hiện nhiệm vụ vì một tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn…
Quán ân nhân phản ánh tình trạng lấn chiếm vỉa hè phổ biến ở các đô thị, điển hình là Hà Nội. Đó là nơi mưu sinh của một bà bán nước chè chén, nằm trọn trên vỉa hè khiến người đi bộ phải lao xuống lòng đường, đi qua dải phân cách. Quán nước chính là nguyên nhân gây ra tai nạn thường xuyên ở khu vực này, nhưng bà chủ quán lại tự cho mình là "ân nhân" giúp đỡ những người bị tai nạn.
Sương mù là câu chuyện về một chàng trai trẻ giỏi giang, có năng lực, nhưng vì muốn chứng tỏ sự nhiệt tình của mình với đối tác và sếp mà uống nhiều rượu. Dù rất say nhưng anh vẫn lái xe về, để rồi đâm chết hai mẹ con và hèn nhát bỏ trốn, sau đó phải ngồi tù 6 năm. Đó là quãng thời gian anh sống trong dằn vặt, đau khổ, hối hận. Còn bố mẹ và em gái anh cũng sống trong sự day dứt, mặc cảm là gia đình của kẻ sát nhân. Mãn hạn tù, hành trình hòa nhập xã hội của anh càng khó khăn khi vấp phải sự trách móc, đổ lỗi của người thân…
Những câu chuyện trong chùm hài kịch Tốc độ đều không lạ lẫm trong cuộc sống. Khi lên sàn diễn, với ngôn ngữ sân khấu và diễn xuất biến hóa của dàn nghệ sĩ, những vấn đề đó càng được khắc họa nhức nhối hơn. Tiếng cười đả kích khiến khán giả nhớ lâu hơn, thấm thía hơn, không thể làm ngơ trước thực trạng đau đầu.
Một điều đáng chú ý là việc sử dụng màn chiếu trong chùm hài kịch Tốc độ rất sáng tạo, biến những bức vách trang trí sân khấu thành màn hình đặt phía trước diễn viên chứ không phải phía sau như thường thấy. Trên bức vách trong suốt đó thỉnh thoảng trình chiếu hình ảnh những tai nạn kinh hoàng, khi là múa, khi mái nhà lô xô của đô thị, giúp khán giả cảm nhận rất thực và sống động về tình trạng hỗn loạn của giao thông…
Điều quan trọng nhất, những tiểu phẩm dù mang đến tiếng cười nhưng đều là những bài học sâu sắc thông qua những tình huống có thật trong cuộc sống được tổng hợp, nén gọn lại trong từng câu chuyện. Chính vì thế, không ít lần khán giả phải lặng đi, thậm chí trào nước mắt. Cũng từ đó, câu chuyện văn hóa giao thông đi vào lòng người một cách tự nhiên, giản dị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn