Lạng Sơn: Bảo tồn nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể - múa sư tử mèo

10:48 | 12/12/2024;
Múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng; thể hiện khát vọng về sự may mắn, sung túc. Loại hình nghệ thuật độc đáo này còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân.

Múa sư tử mèo - trò diễn độc đáo

Theo tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, múa sư tử mèo là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng (2 dân tộc chiếm trên 80% dân số Lạng Sơn).

Sư tử mèo còn mang trong mình biểu tượng của sự may mắn, uy phong, tinh thần thượng võ, đi đến đâu thì mang sự thịnh vượng, hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó.

Với những lý do đó, vào ngày đầu năm mới, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn thường mời các đội múa sư tử vào nhà mình múa với quan niệm: Sư tử xuất hiện sẽ xua đuổi tà ma, diệt mọi ôn dịch, biểu hiện của sự thái bình và niềm tin vào một năm mới sung túc.

Lạng Sơn: Bảo tồn nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể - múa sư tử mèo- Ảnh 1.

Mặt nạ sư tử mèo là một đạo cụ không thể thiếu trong các điệu múa sư tử mèo.

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những điệu múa sư tử mèo, tôi được giới thiệu đến gặp Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hiện (trú tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ông Hiện là một trong số ít những người biết rõ được những kỹ thuật của điệu múa sư tử mèo. Bản thân người nghệ nhân ưu tú cũng đang trực tiếp giảng dạy cho nhiều lớp học, câu lạc bộ về nghệ thuật múa sư tử mèo.

Ông Hiện chia sẻ, múa sư tử mèo ở Lạng Sơn có nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với ngôn ngữ, giọng điệu của từng vùng như: Kỳ Lằn, Phụ, Loòng Phụ, Phụ mèo… Nhưng tên gọi chung được sử dụng tương đối phổ biến hiện nay là múa sư tử mèo.

Lạng Sơn: Bảo tồn nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể - múa sư tử mèo- Ảnh 2.

Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hiện là một trong số ít những người biết rõ được những kỹ thuật của điệu múa sư tử mèo.

Về tổng quan, múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố: Âm nhạc, mỹ thuật, múa… có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và nhiều giá trị khác thể hiện một cách sinh động về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của người dân tộc Tày Nùng, gắn liền với những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện. Những giá trị này đã tạo nên bản sắc văn hóa được cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Với những đặc trưng đó, múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Quyết định số 1852 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 8/5/2017.

Bảo tồn văn hóa dân tộc

Trong nội dung Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, múa sư tử mèo đã được các cấp, ngành và nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn quan tâm, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản múa sư tử mèo luôn được ngành quan tâm thực hiện thông qua nhiều giải pháp như: Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin, tư liệu về di sản múa sư tử mèo, phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian để trao truyền di sản, tạo không gian thực hành múa sư tử; tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương…

Lạng Sơn: Bảo tồn nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể - múa sư tử mèo- Ảnh 3.

Du khách tham quan những trang phục, đạo cụ phục vụ múa sư tử mèo tại một sự kiện văn hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cũng tham mưu UBND tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021-2030" với những nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành sưu tầm, kiểm kê trên 100 tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến các di sản văn hóa nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nói chung, múa sư tử dân tộc Tày, Nùng nói riêng.

Lạng Sơn: Bảo tồn nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể - múa sư tử mèo- Ảnh 4.

Một trong những nhạc cụ được sử dụng trong các điệu múa sư tử mèo.

Đi đôi với công tác nghiên cứu, Sở cũng đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 60 lớp truyền dạy múa sư tử, thu hút gần 200 học viên tham gia. Những học viên này từng bước trở thành hạt nhân để phổ biến, truyền dạy trong cộng đồng dân cư, góp phần bảo lưu, trao truyền điệu múa truyền thống.

Cùng với công tác nghiên cứu, truyền dạy, bước đầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện thí điểm thành lập, duy trì hoạt động đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tại các điểm du lịch.

Lạng Sơn: Bảo tồn nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể - múa sư tử mèo- Ảnh 5.

Ông Nông Văn Hưng hiện đang là đội trưởng đội múa sư tử mèo thôn Hợp Tân (xã Gia Cát).

Song song với đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cũng chú trọng đưa điệu múa vào trình diễn, giới thiệu quảng bá trong các sự kiện văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, đã có trên 1.000 lượt giao lưu, trình diễn, hội thi múa sư tử được duy trì tổ chức trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2021. Đáng chú ý, hội thi múa sư tử mèo cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 10/2022, quy tụ 10 đội thi đến từ 8 huyện với gần 200 nghệ nhân dân gian tham gia đã tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng.

Ông Nông Văn Hưng (46 tuổi, trú tại xã Gia Cát) hiện là đội trưởng đội múa sư tử mèo thôn Hợp Tân (xã Gia Cát) cho biết, đội hiện có 25 thành viên, duy trì tập thường xuyên để phục vụ các hoạt động lễ hội trong toàn tỉnh. Ngoài ra, những đội cũng tham gia nhiều chương trình sinh hoạt văn hóa dân tộc tại các tỉnh khác để quảng bá cũng như góp phần bảo tồn, lưu truyền văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lạng Sơn: Bảo tồn nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể - múa sư tử mèo- Ảnh 6.

Dù còn nhỏ tuổi nhưng em Nông Tiến Thành đã rất say mê với những điệu múa sư tử mèo.

Trong đội múa sư tử mèo thôn Hợp Tân, em Nông Tiến Thành (14 tuổi) là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất. Thành chia sẻ, từ nhỏ, em đã được xem múa sư tử mèo. Cũng kể từ đó, Thành cảm thấy say mê với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Và khi vừa tròn 10 tuổi, Thành đã tham gia vào đội múa sư tử mèo của thôn và tham gia tập luyện với các chú, các bác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn