Trong năm qua, Sở Y tế Lạng Sơn là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo (BCĐ) và là đầu mối trong triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) của tỉnh. Sở Y tế đã tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương quyết liệt triển khai các hoạt động thiết thực. Qua đó, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế gia tăng tỷ lệ người hút thuốc lá, xây dựng môi trường văn minh không khói thuốc, từng bước bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tỷ lệ người hút thuốc lá của tỉnh Lạng Sơn giảm từ 21,7% năm 2018 xuống 18,4% năm 2022, trong đó nam giới giảm từ 42,3% xuống 36,3% năm 2022. Tỉ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại một số địa điểm cộng cộng năm 2022 có xu hướng giảm như nơi làm việc (18,1%), cơ sở y tế (14,5%), trường cao đẳng, đại học, học viện (25,8%). Một số địa điểm có tỉ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc cao tuy nhiên đến năm 2022 đã thay đổi theo hướng tích cực như nhà hàng, quán ăn giảm từ 82,6% (năm 2018) xuống 64,5% (năm 2022), quán giải khát, quán cà phê từ 77,5% (năm 2018) xuống 68% (năm 2022).
Tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá cho các nhân viên khách sạn, nhà hàng, quán ăn tại huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn)
Để thực hiện hiệu quả công tác PCTHCTL, BCĐ tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực như: Xác định truyền thông là giải pháp chủ đạo trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thực hiện truyền thông gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng như xây dựng phóng sự, tọa đàm, viết tin bài, treo băng rôn, pa nô, áp phích, phát tờ rơi; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông lồng ghép tại các cuộc họp, hội nghị, hội thi, mít tinh cổ động, lễ hội…
Truyền thông có vai trò rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mọi người về tác hại của thuốc lá, từ nhận thức đúng sẽ có hành vi đúng. Do vậy, cán bộ và người dân hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân và cộng đồng, từ đó các hoạt động PCTHCTL được triển khai rộng khắp trên địa bàn từ tỉnh tới huyện, xã góp phần giảm tình trạng sử dụng thuốc lá, cải thiện vệ sinh môi trường.
Cùng với hoạt động truyền thông, công tác xây dựng môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật PCTHCTL cũng được chính quyền các cấp, ngành, các địa phương ở Lạng Sơn quan tâm. Thực hiện chỉ đạo của BCĐ PCTHCTL của tỉnh, các BCĐ PCTHCTL lá của các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch tổng thể hoạt động PCTHCTL trên địa bàn quản lý. Từ đó các cơ quan, đơn vị, các ban ngành đoàn thể đều đã xây dựng kế hoạch PCTHCTL hằng năm. 100% cán bộ công nhân viên chức, lao động cam kết không hút thuốc lá tại nơi làm việc và thực hiện xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Đồng thời coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua hằng năm của cơ quan đơn vị; tại các khu dân cư, cũng đưa quy định hạn chế hút thuốc lá tại các đám cưới, đám tang, lễ hội vào trong hương ước, quy ước để cùng cam kết thực hiện.
Bên cạnh công tác truyền thông, Sở Y tế Lạng Sơn tổ chức 3 lớp tập huấn cho các nhân viên khách sạn, nhà hàng, quán ăn với tổng số 120 người tham dự; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức cho 80 học viên; cử 6 cán bộ tham gia lớp giảng viên nguồn về tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá.... Mục đích lớp tập huấn là đào tạo các đầu mối, mạng lưới tuyên truyền về Luật PCTHCTL, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; cung cấp kiến thức tác hại của thuốc lá truyền thống và thế hệ mới; xây dựng môi trường không khói thuốc lá; lợi ích việc cai nghiện thuốc lá; tư vấn cai nghiện thuốc lá, tuyên truyền những tấm gương điển hình trong PCTHCTL…
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra về PCTHCTL tại cơ sở được triển khai thường xuyên. Trong năm 2022, đã tiến hành kiểm tra 12 đợt được 167 cơ sở; Công an tỉnh kiểm tra và bắt 6 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu thu: 4.150 điếu thuốc lá điện tử. Qua kiểm tra, cơ bản các cơ sở đã quan tâm và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá như: Thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ nhân viên, học sinh, bệnh nhân, người dân thực hiện quy định về PCTHCTL; đưa vào nội quy, quy chế vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua; Bố trí treo biển cấm hút thuốc lá, tranh ảnh cảnh báo tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người ở một số địa điểm, khu vực quy định; tình trạng hút thuốc lá trong cán bộ và người dân có chiều hướng giảm rõ rệt.
Mặc dù công tác tuyên truyền PCTHCTL với sự chung tay của rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân. Cùng với những kết quả đạt được thì công tác triển khai Luật PCTHCTL vẫn còn có những khó khăn, thách thức, do ý thức tuân thủ pháp luật của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân còn hạn chế; tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng ở một số nơi vẫn còn. Vì vậy, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCTHCTL, cần tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát, xử phạt vi kịp thời, đảm bảo tính răn đe và tính thực thi của Luật, đồng thời mỗi cá nhân cần phải tự nâng cao ý thức PCTHCTL với bản thân, gia đình và xã hội để chúng ta được sống trong môi trường không khói thuốc lá.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn