Một trong những điều vị phó giáo sư trẻ ngành Nhân loại học tại Đại học Đông Nam Trung Quốc - Tiền Lâm Lương nhớ rõ nhất trong chuyến đi đầu tiên đến “làng Taobao” là giao thông.
Năm 2014, Tiền Lâm Lương chọn nghiên cứu “làng Taobao” ở phía Đông Nghĩa Ô - thành phố mệnh danh trung tâm thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc.
Nghĩa Ô là đại diện cho ngành công nghiệp bán lẻ trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc. Điều vị phó giáo sư trẻ ngày nào cũng bận tâm khi đến đây là tình trạng kẹt xe kéo dài khắp các con đường vào mỗi buổi chiều. Tiếng còi xe tải chói tai và tiếng xé băng dính đóng gói hàng hóa đã trở thành “giai điệu” quen thuộc của Tiền Lâm Lương, xen vào đó là tiếng thông báo từ Aliwangwang - ứng dụng nhắn tin được người bán và người mua trên Taobao sử dụng để liên lạc.
Tiền Lâm Lương đến Nghĩa Ô để nghiên cứu: Một “làng thương mại điện tử” ra đời bằng cách nào?
Chuyên gia nghiên cứu về các làng thương mại điện tử của Trung Quốc cho biết vị trí địa lý quyết định sự thành công. Ngôi làng này rất gần thị trường bán sỉ và đầu mối vận chuyển hàng hóa quan trọng của thành phố Nghĩa Ô ra những khu vực khác.
Nhưng câu chuyện không hề đơn giản như thế. Một số dân làng và tiểu thương được Tiền Lâm Lương phỏng vấn đã đưa ra lời giải thích như sau:
Năm 2005, ngôi làng ở phía Đông Nghĩa Ô này đã được xây dựng lại, những căn nhà cũ bị phá bỏ và xây dựng mới. Tuy nhiên, do không có cơ hội kinh doanh, nhiều căn nhà trong số này chỉ để trống.
May mắn thay, chính quyền địa phương xem thương mại điện tử là ngành phát triển tiềm năng và đã phối hợp với một trường dạy nghề ở Nghĩa Ô biến ngôi làng thành cơ sở cho các công ty khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Từ đó, cơ sở hạ tầng trong làng được cải thiện, giá thuê mặt bằng rẻ, giao thông đi lại thuận tiện, sở hữu các đầu mối bán sỉ lớn.
Chẳng bao lâu, ngành thương mại điện tử trong làng bắt đầu hưng thịnh. Một trong những người tham gia nghiên cứu của Tiền Lâm Lương đã chuyển đến làng để bắt đầu kinh doanh trực tuyến vào năm 2008.
Khi nhiều cơ sở kinh doanh mọc lên như nấm trong làng, các công ty chuyển phát nhanh bắt đầu thiết lập các điểm gửi và trả hàng, gây ra cuộc cạnh tranh về giá cả. Các tiểu thương bắt đầu chuyển hàng từ làng vì giá cả thấp hơn những nơi khác.
Taobao đã nắm bắt được những gì đang xảy ra ở ngôi làng này và một số địa điểm khác ở Trung Quốc. Năm 2013, Tập đoàn Alibaba đã công bố danh sách xác nhận ngôi làng phía Đông Nghĩa Ô là một trong những “làng Taobao” sớm nhất cả nước. Đó là một thành công mang tính bước ngoặt giúp thu hút các tiểu thương và người hiếu kỳ đổ xô đến tìm hiểu bước chuyển mình diệu kỳ của ngôi làng nhỏ bé.
Để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng và tiểu thương này, các trung tâm đào tạo thương mại điện tử, studio chụp ảnh, công ty người mẫu… đã ồ ạt mọc lên trong làng.
Một cô gái trẻ được Tiền Lâm Lương phỏng vấn cho biết cô bắt đầu khởi nghiệp ở làng vào năm 2014. Thời điểm đó, việc thuê mặt bằng trong làng trở nên rất khó khăn và cô đã mất rất nhiều thời gian để tìm căn hộ hai phòng đủ chỗ cho việc kinh doanh. Cô trả gần 30.000 NDT/năm (hơn 100 triệu đồng), cao hơn gấp đôi so với giá thuê ở các làng lân cận, nhưng cô cho rằng cái giá này hoàn toàn xứng đáng.
Cô gái cho biết đơn hàng ổn định, chi phí vận chuyển hàng hóa thấp của ngôi làng đã tiết kiệm cho cô hàng chục nghìn NDT mỗi năm. Việc tìm kiếm thợ chụp ảnh trực tiếp trong làng cũng dễ dàng hơn.
Năm 2014, một năm sau công bố của Alibaba, "làng Taobao" phía Đông Nghĩa Ô đã trở thành tiêu điểm dậy sóng toàn Trung Quốc. Ngôi làng cũng trở thành địa điểm tổ chức Hội chợ Triển lãm Thương mại Điện tử Quốc tế Nghĩa Ô.
Thứ nhất, mặc dù các tiểu thương vẫn có thể chấp nhận giá thuê mặt bằng cao trong làng vào năm 2014, nhưng cái giá tăng cao chóng mặt trong những năm sau lại khiến nơi đây “bớt hấp dẫn”.
Thứ hai, với tư cách là một “tấm gương” cho ngôi làng phát triển kiểu mới, "làng Taobao" phía Đông Nghĩa Ô đã gặp phải nhiều gánh nặng: Cán bộ địa phương ngày càng dành nhiều thời gian dẫn du khách tham quan. Hơn nữa, xung đột ngày càng trở nên gay gắt giữa dân làng (nhóm người được hưởng lợi nhiều nhất từ thành công của làng) và tiểu thương mới chuyển đến vì bị hấp dẫn bởi cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng.
Nhiều người dân trong làng đã trở nên giàu có bằng việc cho thuê mặt bằng, từ đó chỉ cần “nằm yên hưởng lợi”. Một người đàn ông trung niên trong làng được Tiền Lâm Lương phỏng vấn đã kiếm được hơn 100.000 NDT/năm (hơn 330 triệu đồng) chỉ riêng tiền thuê nhà, cao hơn gấp đôi thu nhập trung bình của người dân Nghĩa Ô vào năm 2015.
Khi giá thuê tiếp tục tăng, xung đột giữa dân làng và tiểu thương đã nổ ra.
“Tôi đã ở Nghĩa Ô nhiều năm, thậm chí có thể hiểu được tiếng địa phương nơi đây. Một lần, người hàng xóm đến nói chuyện với chủ cho thuê của tôi rằng giá thuê của nhà đối diện đường đã tăng thêm 5.000 NDT (hơn 16,7 triệu đồng). Người hàng xóm cảm thấy vị trí và giao thông lý tưởng, vì vậy anh chuẩn bị tăng giá thuê mỗi căn lên 10.000 NDT (hơn 33 triệu đồng). Chủ cho thuê của tôi đã đồng tình với suy nghĩ này. Quả nhiên, chủ nhà đã đến gặp tôi vào chiều hôm đó đề nghị tăng tiền thuê nhà thêm 15.000 NDT (hơn 50 triệu đồng). Thế là đôi bên đã tranh cãi nảy lửa”, một tiểu thương đã đến làng phía Đông Nghĩa Ô kinh doanh từ năm 2008 cho hay.
Đầu tiên là dịch vụ chuyển phát nhanh: Đơn hàng ít dần, đè nặng vấn đề lợi nhuận.
Ban đầu, một vài shipper nghỉ việc. Sau đó, các công ty chuyển phát nhanh đã đóng cửa cơ sở lớn và chọn mặt bằng nhỏ hơn. Một số công ty vừa và nhỏ thậm chí đã đóng cửa hoàn toàn. Phản ứng dây chuyền xảy ra, công ty chuyển phát nhanh ít ỏi hoặc tăng phí gây bất lợi cho tiểu thương.
Khi Tiền Lâm Lương trở lại làng phía Đông Nghĩa Ô năm 2018, nhiều tiểu thương mà anh từng quen biết đã chuyển đi, đường sá cũng kém nhộn nhịp hơn hẳn so với vài năm trước.
Mặc dù truyền thông vẫn xem đây là "Làng thương mại điện tử số 1" ở Trung Quốc nhưng hiển nhiên ngôi làng đã không còn là đỉnh cao của ngành thương mại điện tử.
Alibaba đã công bố danh sách cập nhật các ngôi làng thương mại điện tử vào năm 2021, tên của “làng Taobao” phía Đông Nghĩa Ô đã không còn.
Trong 9 năm qua, Tiền Lâm Lương đã theo dõi sự thăng trầm của một ngôi “làng Taobao” ở Nghĩa Ô, đến nay anh đã thay đổi chủ đề nghiên cứu từ “tại sao ngôi làng thành công” sang “vì sao ngôi làng bị lụi tàn sau hào quang”.
Nếu phải đưa ra câu trả lời, Tiền Lâm Lương cho rằng đó là tầm nhìn hạn hẹp của người dân trong làng khi tham gia phát triển kinh tế.
Suy xét kỹ hơn, yếu tố thúc đẩy sự phát triển của làng không phải là người dân, mà là các tiểu thương đến từ vùng khác được thu hút bởi cơ hội kinh doanh và giá thuê mặt bằng rẻ.
Tương lai rực rỡ của “làng Taobao” bậc nhất ở Nghĩa Ô có được phục hồi được hay không còn phải trông chờ vào sự thay đổi trong tầm nhìn của người dân nơi đây.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn