Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động
Cương Gián vốn là làng chài nghèo ven biển của huyện Nghi Xuân, người dân quanh năm lam lũ với con thuyền, tấm lưới. Thời tiết nơi này vô cùng khắc nghiệt, mùa hè những cơn gió Lào thổi như muốn thiêu rụi mọi thứ; mùa đông lại hanh hao đến nứt toác gót bàn chân. Ngoài nghề chài lưới, người dân Cương Gián chẳng thể trông mong gì ở những thửa ruộng mênh mông cát trắng. Chịu khó tăng gia với những nghề truyền thống dệt lưới tơ, làm nón, chế biến nước mắm với thương hiệu “Nước mắm Cương Gián” nổi tiếng nhưng cuộc sống của người dân vẫn chẳng thể nào khá lên được.
Đó là Cương Gián của hơn 2 thập kỷ về trước! Còn làng chài ngày ấy đã lột xác ngoạn mục nhờ những đồng ngoại tệ được gửi về từ nước ngoài cùng những người con nơi đây đi XKLĐ nơi xứ người.
Khoảng đầu những năm 1990, khi ấy, một nhóm thanh niên trong làng tiên phong tìm cách thoát nghèo bằng cách đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc. Mọi việc thuận lợi, chỉ vài năm sau, nhờ số tiền họ gửi về, các gia đình nhanh chóng khấm khá rồi giàu lên trông thấy. Từ đó, không ai bảo ai, nhiều người trong làng cũng làm hồ sơ đi nước ngoài để có tiền về xây nhà, có vốn làm ăn. Mỗi nhà bình quân có 2-3 người, đặc biệt, có gia đình có tới 9-10 người đi XKLĐ. Thôn nhiều thì hơn 300, thôn ít cũng có tới gần trăm người đi XKLĐ. Cứ như thế, những ngôi nhà to đẹp khang trang thi nhau mọc lên càng nhiều. Giờ đây, người ta không còn gọi Cương Gián là làng chài nghèo nữa, thay vào đó là cái tên sang hơn nhiều: “Làng tỷ phú xứ Nghệ”. Cương Gián có 15 thôn, thôn nào cũng giàu có và có rất nhiều tỷ phú, đại gia.
Chủ tịch Hội đồng Quỹ tín dụng liên xã, nguyên Chủ tịch UBND xã Cương Gián Nguyễn Văn Trính cho biết: “XKLĐ ở xã Cương Gián bắt đầu từ năm 1994. Từ chỗ chỉ có 5 người sang làm nghề đánh bắt xa bờ ở Hàn Quốc (1994), đến nay, toàn xã có trên 2.700 lao động tại các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Mỗi tháng, trung bình một người gửi về 700 USD, mỗi năm toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về trên 400 tỷ đồng”.
Nguồn thu từ XKLĐ đã thực sự làm thay da đổi thịt cho xã Cương Gián với dân số đông nhất huyện Nghi Xuân (gần 15.000 người), điều này cũng được thể hiện rõ qua những con số khi tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh từ 21% (năm 2011) xuống còn 4,5% (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của xã đạt trên 38 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của huyện Nghi Xuân (xấp xỉ 37 triệu đồng).
Những bi kịch gia đình
Chuyện XKLĐ làm thay đổi cả bộ mặt của Cương Gián xa gần ai ai cũng biết. Thế nhưng, đi kèm với sự giàu lên trông thấy đó, lại có những hệ lụy len lỏi trong từng gia đình nhỏ, mà có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ. Tưởng như, sau những vất vả, xa cách về địa lý khi vợ hoặc chồng đi XKLĐ thì cuộc sống sau này sẽ không có khó khăn nào họ không vượt qua được. Ấy thế mà, kề vai sát cánh bên nhau ngày khốn khó, đến khi cuộc sống khấm khá, có của ăn của để thì lại sứt mẻ hôn nhân.
Hơn 20 năm trước, Anh Trần Đ. L. (SN 1971) làm nghề đi biển vì yêu tính cách dịu dàng, đảm đang nên đã cùng chị Hoàng T. H. (SN 1974) về chung một nhà. Tổ ấm của anh chị thêm phần hạnh phúc khi những đứa con chào đời. Dẫu vậy, dù sở hữu đến 2 chiếc thuyền đi biển nhưng cuộc sống của gia đình càng ngày càng chật vật, những năm bão tố coi như trắng tay. Đúng thời điểm này, Cương Gián nở rộ phong trào XKLĐ. Nhìn mọi người xung quanh thoát nghèo vươn lên làm giàu, dù không muốn vợ xa chồng, con xa bố nhưng chị H. vẫn đành vay mượn tiền để anh L. xuất ngoại vào đầu năm 1997. Rồi mọi chuyện cũng được như ý, sang Hàn Quốc mưu sinh, anh L. bắt đầu có tiền gửi về cho vợ con, cuộc sống của gia đình cũng khá lên nhiều.
Buồn nỗi, khoảng cách địa lý quá xa xôi, anh L. đi đằng đẵng hơn 20 năm trời khiến tình cảm vợ chồng anh L. - chị H. không còn mặn mà như trước, những vết nứt nhỏ lớn dần, trở thành những khoảng trống vô hình không thể lấp đầy.
Cuối năm 2018, anh L. trở về quê, tưởng như giờ đây gia đình sẽ được sum vầy hạnh phúc khi anh chị cũng đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng mâu thuẫn của anh chị lại ngày một lớn. Anh L. cho rằng, bao nhiêu tiền của là mồ hôi nước mắt của anh lăn lộn hơn 20 năm trời ở xứ Hàn, rồi tiền bạc đứa con trai đầu xuất ngoại sang Úc 4 năm gửi về, đã bị vợ chi tiêu hoang phí. Đã thế, anh còn nhận được thông tin chị H. có quan hệ tình cảm ngoài luồng với một người đàn ông cùng xóm. Không kìm được nóng giận, 7h ngày 23/9/2018, trong một lần tranh cãi, anh L. đã đánh chị H. bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Theo kết quả giám định thương tích, tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị H. do anh L. gây ra là 22% và ngày 1/3/2019, anh L. bị TAND huyện Nghi Xuân tuyên phạt 3 tháng tù giam. Trước đó là vợ chồng, trong phiên tòa là bị cáo - bị hại và sau phiên tòa giờ đây anh chị cũng không còn là vợ chồng. Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang của anh chị ở trung tâm xã Cương Gián, giờ đây không còn tiếng nói cười rổn rảng mà thay vào đó là không khí lặng lẽ, u buồn.
Cũng cách đây chưa lâu, vụ việc xảy ra ngày 19/2/2019 ở thôn Ngư Tịnh - nơi được mệnh danh là “xóm Hàn Quốc” ở mảnh đất Cương Gián vẫn còn khiến người dân không khỏi bàng hoàng: Sáng sớm hôm ấy, khi mọi người vẫn chìm trong giấc ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng la hét thất thanh từ ngôi nhà của vợ chồng ông L.H. C. (SN 1958) và bà C.T.H. Khi người dân sinh sống gần đó chạy đến thì bàng hoàng phát hiện bà H. đã tử vong với nhiều vết chém, máu chảy lênh láng và thủ phạm không ai khác chính là ông C. Theo điều tra của cơ quan chức năng, ông C. khai báo nguyên nhân xảy ra sự việc đau lòng là do mâu thuẫn vợ chồng. Trước đó, bà H. đã xuất ngoại được gần 20 năm, nếu không có đám cưới con trai hẳn bà H. cũng không về quê. Đám cưới mới diễn ra được ít hôm thì án mạng đau lòng xảy ra.
Ngoài bi kịch gia đình anh L., ông C. còn rất nhiều trường hợp khác ở Cương Gián, dù chưa đến mức “động tay động chân” nhưng mâu thuẫn vợ chồng đã không thể hàn gắn dẫn đến ly hôn. Theo thống kê của địa phương, ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Cương Gián có trên 200 cặp vợ chồng ly hôn, trong đó riêng thôn Bắc Mới có trên 70 cặp đôi tan vỡ hạnh phúc gia đình, cá biệt, có trường hợp trong một gia đình có đến 3 cặp vợ chồng chia tay nhau. Đáng nói là, phần lớn những vụ việc ly hôn này đều có vợ hoặc chồng đi XKLĐ ở nước ngoài về.
Không thể quy chụp tất cả những vụ ly hôn hay những vụ việc hình sự này đều là do XKLĐ nhưng không thể phủ nhận, vì XKLĐ nên vợ chồng xa nhau lâu ngày. Trong số đó, nhiều cặp vợ chồng tình cảm không còn được như trước, cũng không ít người vì thiếu thốn tình cảm nên đã nảy sinh mối quan hệ “ngoài luồng”, cũng có trường hợp vì đi nước ngoài, vợ hoặc chồng chịu ảnh hưởng của lối sống tự do nên khi trở về, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên dễ dàng ... “đường ai nấy đi”...
Bài sau: Tương lai nào cho những đứa trẻ bơ vơ?