Jedrzej Wittchen từ một cử nhân địa lý trở thành tỉ phú Ba Lan với thương hiệu đồ da toàn cầu Wittchen |
Suốt nhiều năm tuổi trẻ, Wittchen loay hoay không biết bản thân thực sự mong muốn điều gì? Anh lần lượt thử sức trong nhiều lĩnh vực: tay trống trong một ban nhạc trẻ, làm thơ, chuyên gia tổ chức các sự kiện… và đam mê lớn hơn tất cả là du ngoạn. Những năm theo học tại khoa Địa lý, Đại học Warszawa (Ba Lan), đã tạo điều kiện thuận lợi để Wittchen chu du thiên hạ. Cuối những năm 1980, chàng sinh viên mê “phượt” đã khéo léo thuyết phục các thầy “nên tạo điều kiện, để sinh viên chuyên ngành Địa lý có thể tổ chức các chuyến đi nghiên cứu khoa học bằng tiền túi”. Wittchen đã có dịp đặt chân đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới như: Pháp, Ai Cập, Maroc, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc...
Sau khi tốt nghiệp đại học và 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, chàng trai đam mê khám phá lại tiếp tục tìm đường đi ra thế giới. Lần này, trong liên tục 3 năm liền. Wittchen sống ở nước ngoài bằng thu nhập từ làm thuê. Tại các nước châu Âu, anh giúp việc cho những chủ trang trại trồng nho và thu hoạch rau quả. Tại các nước châu Á, Wittchen làm thuê cho công ty du lịch và các hãng thương mại có mối quan hệ với Ba Lan.
Ý tưởng kinh doanh từ 1 chuyến đi
Noel 1990, rời Malaysia, Wittchen bay về quê hương với lô hàng ví và túi xách da mua tại chợ trời địa phương. Tất cả đều bán chạy “như tôm tươi”, “một vốn bốn lời”. Anh nhớ lại: “Khi ấy tôi nghĩ, các mặt hàng bằng da có thể là hạng mục kinh doanh tuyệt vời và mang lại cảm giác thú vị, bởi từ nhỏ tôi đã đam mê những sản phẩm sử dụng thường nhật làm bằng da”.
Được khích lệ từ thành công đầu tiên, Wittchen đặt đối tác - chủ 1 xưởng sản xuất ở Malaysia - lô hàng mới trị giá vài trăm USD. Sản phẩm và câu chuyện kinh doanh của Wittchen đã bắt đầu như thế. “Đó là những chiếc ví, túi xách chất liệu da theo mẫu mã y hệt các sản phẩm cùng loại được sản xuất tại Áo, Đức hoặc Anh”, Wittchen tiết lộ.
Quốc tế hóa sản xuất
Triển khai kế hoạch làm ăn lớn, Wittchen phác thảo ý tưởng mặt hàng cụ thể, đặt hàng chuyên gia Italia thiết kế mẫu mã, rồi thuê thợ lành nghề người Ý và Trung Quốc gia công với vật liệu da động vật có xuất xứ từ khu vực Địa Trung Hải. Việc mua nguyên liệu da ở miền Nam châu Âu có ý nghĩa quyết định. “Da bò Ba Lan hoặc Nga chất lượng thấp do thời gian chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên tối đa chỉ 3-4 tháng/năm bởi khí hậu ôn đới giá lạnh kéo dài. Trong khi đàn bò Italia có thể chăn thả cả năm. Chất lượng đồng nghĩa với sự khác biệt đẳng cấp. Da bò chất lượng cao gần như không đòi hỏi bất cứ công nghệ nào để hoàn thiện”, doanh nhân thành đạt này “bật mí”. Chất lượng và bao bì lịch sự là “chìa khóa” giúp các mặt hàng của Wittchen bán chạy quanh năm, cho dù giá cả không hề rẻ.
Chất lượng tuyệt hảo và mẫu mã bắt mắt đưa thương hiệu Wittchen chớp nhoáng chiếm vị trí xứng đáng trong trái tim của đông đảo người tiêu dùng. Đã hơn 1 thập kỷ, dân chuộng đồ da ở Ba Lan quen với “cơn sốt” mang tên Wittchen vào tuần đầu tháng 10 hàng năm. Đó là thời gian bộ sưu tập mới của hãng với giá bán khuyến mãi (trung bình khoảng 60 USD/sản phẩm) được xuất hiện tại tất cả cửa hàng thuộc mạng lưới Lidl.
Quan sát đủ dạng thị trường
Bắt đầu kinh doanh với số tiền 500 USD, sau hơn 20 năm, Wittchen đã là chủ tập đoàn đa quốc gia chiếm hơn 10% thị phần các sản phẩm bằng da tại Ba Lan. Hiện doanh nghiệp có hơn 400 nhân công tại Ba Lan và hơn 2.000 nhân cồn tại các nhà máy ở Italia, Trung Quốc.
Cho dù sở hữu bộ máy sản xuất lành nghề, song ông chủ Wittchen vẫn thích giám sát tất cả công đoạn: thiết kế, sản xuất và bán hàng. Trong nghề nghiệp của mình, anh nhấn mạnh: “Để thành công, cần có thương hiệu đẳng cấp, chất lượng hoàn hảo và tên sản phẩm gây ấn tượng”.
Sau 26 năm hành nghề, Wittchen vẫn cháy bỏng cách tiếp cận kinh doanh sáng tạo. “Du lịch khắp thế giới, chúng tôi quan sát đủ dạng thị trường dưới góc độ kinh doanh của mình. Chúng tôi còn học hỏi những hãng kinh doanh khác, không chỉ cùng ngành hàng. Chúng tôi muốn khám phá: Bằng cách nào họ khuyến khích và lôi kéo được đông khách hàng”, Wittchen chia sẻ.
Anh vừa khai trương quỹ đầu tư mang tên “Business Angek Seedfund” để đầu tư cho những ý tưởng mới, những người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.