Theo đó, công trình Làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) được đầu tư với kinh phí hơn 20 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025.
Làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới được xây dựng tại khu bảo tồn sim thuộc xã Hồng Thượng, huyện A Lưới. Công trình được khởi công từ tháng 5/2023 và đến nay đã hoàn thành gốm các hạng mục như: Khối nhà sinh hoạt cộng đồng chung; Nhà sinh hoạt truyền thống của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu; thi công đường giao thông… Các hạng mục phụ trợ như sân vườn, điện, nước, cảnh quan cây xanh…
Việc hoàn thành công trình đã góp phần đảm bảo điều kiện sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức các lễ hội truyền thống đáp ứng việc bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới.
Sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, ngành văn hóa sẽ tổ chức nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, tái hiện nét đẹp, cảnh sinh hoạt trong đời sống của đồng bào các dân tộc… Qua đó, tạo điểm nhấn để kết nối du khách đến tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới.
Tại lễ khánh thánh, huyện A Lưới tổ chức tái hiện các hoạt động Lễ hội của từng dân tộc trong không gian văn hoá của các dân tộc như: Lễ hội A Rêu Ca của đồng bào Pa Cô; Lễ hội Kliing Tang (lễ cúng Giàng) của người Tà Ôi, Lễ hội Ân Ninh (đáp lễ của nhà trai) của người Cơ Tu…
Hiện nay trên địa bàn huyện A Lưới đã và đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp trải nghiệm cảnh quan sinh thái và văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi… Nổi bật như: Làng du lịch sinh thái cộng đồng ở A Nôr (xã Hồng Kim); mô hình du lịch cộng đồng ở A Roàng (xã A Roàng); điểm du lịch sinh thái suối Pâr Le (xã Hồng Hạ)..
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Làng Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới được xây dựng nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa của người dân và du khách…
Trong thời gian tới huyện sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hoá, các lễ hội truyền thống kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương và giúp bà con nhân dân nâng cao thu nhập từ việc sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hoá.
Công trình được xây dựng còn mở ra điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị các nghề truyền thống tại A Lưới, góp phần phát triển kinh tế xã hội và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Sáng cùng ngày, tại huyện A Lưới, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024.
A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025, đồng thời là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 49,98% vào cuối năm 2021, đã giảm xuống còn 24,3% vào cuối năm 2023 và dự kiến giảm còn 14,34% vào cuối năm 2024. Đồng thời, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rõ rệt, đường giao thông liên xã được đầu tư, các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng.
Thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2021 là 27,5 triệu/người/năm, đến cuối năm 2023 được nâng lên 35,22 triệu/người/năm. Tăng 7,2 triệu đồng/người/năm. Dự kiến đến cuối năm 2024 là trên 40 triệu đồng/người/năm và đến năm 2025 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn