Thời gian gần đây, tại một số bệnh viện (BV), cơ sở y tế đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân.
Về vấn đề này, lãnh đạo BV E cho biết, tình trạng thiếu thuốc không phải là mới. Tuy nhiên, những năm trước xảy ra ít, nhỏ lẻ. Lần này, nghiêm trọng nhất vì nó xảy ra cả hệ thống nên gây bức xúc.
Vị lãnh đạo BV E cũng cho biết, quá trình mua sắm cần đấu thầu mất 4 – 5 tháng. Các khoa phòng khám làm chuyên môn nhu cầu bao nhiêu dự trù lên để làm dự trù, thống kê và làm kế hoạch mua sắm. Các kế hoạch mua sắm này phải duyệt hồ sơ và lựa chọn đơn vị trúng thầu. Nhưng đơn vị trúng thầu đôi khi cũng không có hàng cung cấp cho BV.
Hơn nữa, thời gian qua, mô hình bệnh tật cũng thay đổi nhanh. Ví như BV dự kiến mua 1.000 viên thuốc, nhưng sang năm dùng lại lên 1.500 viên nên BV phải bổ sung thầu. Nếu trước đây, khi thiếu hụt thuốc men, thì sẵn sàng vay đơn vị cung cấp, mượn trước rồi làm hồ sơ trả sau. Nhưng hiện tại, không thể linh động như trước được nữa.
Trong đợt dịch Covid-19, BV E thầu 3.000 kít test. Ngày đầu dùng chỉ khoảng 100 cái, ngày hôm sau lên 200 cái và có ngày lên nghìn cái. Thầu dùng chỉ được vài ngày là hết thầu. Hết thầu, cũng rất đau đầu. Hơn nữa, nếu dịch xảy ra trong bệnh viện thì lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm. Người dân tới không có test thì cũng là lỗi của BV. Do đó, BV cũng phải vay mượn, nhưng nếu thời điểm vay giá 100.000 đồng/kit tets nhưng đến khi trả thì đỉnh dịch, giá đã lên đến vài trăm ngàn đồng/kit test.
Không phải là BV sợ sai không dám thầu như dư luận vẫn suy nghĩ. Trong điều kiện hiện nay, BV vẫn đang làm thầu để khắc phục tình trạng thiếu thuốc này. Tuy nhiên, có thể thầu đã xong nhưng cũng chưa dám chắc không thiếu thuốc. Bởi có sản phẩm chỉ có một nhà cung cấp nhưng nhà cung cấp vì đại dịch sản xuất không kịp, phân phối không kịp thì cũng không thể chắc chắn người bệnh sẽ có thuốc. Ngoài ra, tất cả các thủ tục hành chính BV cố gắng đẩy nhanh nhưng vẫn có điều kiện khách quan không thể triển khai được.
Nhiều nhân viên y tế làm việc trực tiếp với người bệnh họ cũng nghe những lời phàn nàn, trách móc, xung đột thậm chí có thể xảy ra bạo hành do thiếu thuốc, dẫn đến phải mua ngoài. Lãnh đạo BV E cho rằng, BV không né tránh và có những thuốc không thể có thì bệnh nhân cũng nên chia sẻ. Ví dụ, một đơn thuốc có 3 loại thuốc thì 2 thuốc bệnh nhân phải ra ngoài mua. Nếu tính toán giá thuốc đó thì bản thân BV cũng bị ảnh hưởng. Bởi BV đã tự chủ, nếu chăm sóc không tốt bệnh nhân sẽ bỏ BV. Do đó, hiện nay BV đang cố gắng làm sao giảm thiểu tối đa việc thiếu thuốc, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn