Lãnh đạo Bộ Công Thương lý giải việc tăng giá điện

22:28 | 01/12/2017;
Từ 1/12, giá điện tăng 6,08% vào thời điểm cuối năm, sẽ có tác động không nhỏ tới chỉ số giá tiêu dùng và đời sống người dân. Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định việc tăng giá này đã có sự tính toán kỹ lưỡng.
ong_hai_bo_ct.jpg
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương

 


Chiều 1/12, tại buổi họp báo kết quả phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, báo giới đặt câu hỏi với đại diện Bộ Công Thương về việc tại sao đưa ra quyết định tăng giá bán lẻ điện lên 6,08% vào thời điểm hiện nay? Trong khi báo cáo về sản xuất điện có thể lỗ 600 tỷ đồng nhưng lãi của hoạt động sản xuất điện vẫn hơn 2.600 tỷ đồng.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Điều chỉnh giá điện rất được quan tâm, bởi có thể ảnh hưởng đến GDP, chỉ số giá tiêu dùng CPI, cho đến những vấn đề vi mô như ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng tới giá cả của các mặt hàng thiết yếu như xi măng, sắt thép… Điều hết sức quan trọng là ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Lý giải việc tăng giá điện, ông Hải cho rằng, qua gần 3 năm, giá điện không có sự điều chỉnh. Trong khi đầu vào của những thứ làm ra điện tăng, đặc biệt là than và nhiều yếu tố khác. Thời gian qua, Chính phủ đã thành lập tổ công tác bao gồm các Bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra chi phí sản xuất điện của năm 2016 và tiến hành đánh giá tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến giá điện như thế nào.

Theo ông Hải, trong quá trình đánh giá thực hiện nhiều nguyên tắc: Thứ nhất là chi phí sản xuất kinh doanh điện, chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác.

Thứ hai là tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành.

Thứ ba là kiểm tra chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hoá có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc Công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.

Đồng thời, ông Hải khẳng định việc đánh giá này “có sự giám sát của Công ty kiểm toán uy tín quốc tế”.

“Đối với biến động của việc tăng giá điện này đã có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương và EVN”, ông Hải nói.

tang-gia-dien.jpg

 


Trước đó, cuối giờ chiều 30/11, Bộ Công Thương phát đi thông tin về tăng giá bán điện từ ngày 1/12. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức 1.720,65 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 6,08% so với giá bán hiện hành 1.622,01 đồng một kWh.

Việc tăng giá điện lần này khá bất ngờ vì trước đó, gần như không có dấu hiệu nào cho thấy Bộ Công thương và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tăng giá điện ngay trong năm 2017.

Theo Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là hơn 266.104 tỷ đồng, giá thành sản xuất điện ở mức 1.665,29 đồng một kWh. Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là hơn 203.000 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.270,38 đồng một kWh. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là hơn 16.167 tỷ đồng; chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 45.859,32 tỷ đồng; chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.076,93 tỷ đồng.

Năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt doanh thu bán điện là 265.510 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng một kWh. Tập đoàn này báo lãi trên 2.658 tỷ đồng từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2016, nhưng riêng sản xuất kinh doanh điện vẫn lỗ gần 594 tỷ đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn