Xưa kia, trong gia đình người La Chí ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai luôn có khung dệt vải. Hàng năm người dân thường tổ chức trồng bông, trồng tràm để lấy nguyên liệu dệt vải, nhưng từ cách đây khoảng hơn chục năm, người dân chủ yếu sử dụng quần áo, vải vóc mua sẵn ở chợ. Điều này dẫn đến sự mai một nghề trồng bông dệt vải truyền thống một cách nhanh chóng. Cho đến nay, nhiều chị em phụ nữ đã không còn biết dệt vải, may vá quần áo, thêu thùa thổ cẩm như xưa.
Đứng trước nguy cơ mai một nghề truyền thống của tộc người La Chí, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đã tổ chức phục dựng lại nghề truyền thống thổ cẩm của người La Chí.
Để thực hiện công việc bảo tồn và phục dựng nghề thổ cẩm, Sơ Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đã cử cán bộ xuống địa bàn thôn Nậm Chảy, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mục tiêu của chương trình. Khi người dân đã hiểu, họ cùng thống nhất thành lập nhóm bảo tồn nghề thổ cẩm; bắt tay thực hiện đào tạo chị em trẻ thực hiện mục tiêu gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc.
Bà Vũ Thị Trang, chuyên viên Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, người trực tiếp thực hiện chương trình gìn giữ nghề thổ cẩm người La Chí ở Nậm Khánh, cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi lên ý tưởng phục dựng nghề thổ cẩm ở vùng người La Chí gặp khá nhiều khó khăn.
Thứ nhất là nghề đã mai một khá lâu, nhiều chị em không còn biết đến việc trồng bông dệt vải, việc thêu thùa lại càng không biết.
Thứ 2 là phụ nữ người La Chí sống khá khép kín, họ ngại giao tiếp với người dân tộc khác, nên khả năng nói tiếng phổ thông cũng có nhiều bất cập. Vì thế việc triển khai chương trình bảo tồn không hề dễ dàng. Nhưng được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, của Hội LHPN xã, và đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân địa phương, nên chúng tôi đã triển khai thực hiện khá suôn sẻ”.
Bà Triệu Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Khánh, chia sẻ: "Khi triển khai chương trình bảo tồn nghề thổ cẩm của người La Chí ở địa phương, chúng tôi cũng phối hợp với đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, vận động chị em tích cực tham gia. Đây là công việc và là nhiệm vụ rất hữu ích bởi lẽ sau này khi phát triển được nghề thì chị em có thể tham gia sản xuất hàng hóa thổ cẩm phục vụ du lịch cộng đồng, tạo ra việc làm và tăng thêm thu nhập cho chị em rất tốt. Quá trình tuyên truyền vận động thì chị em cũng nhận thức được, nên có sự phối hợp tham gia bảo tồn phục dựng nghề rất nhiệt tình”.
Để thực hiện phục dựng và bảo tồn nghề thổ cẩm hiệu quả, đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai cũng phải căn thời gian hợp lý, tổ chức theo từng đợt. Sau thời điểm người dân bận rộn với công việc đồng áng mùa vụ, mới triển khai các nhóm bảo tồn và thực hành nghề dệt.
Sau đó phân công nhiệm vụ cho từng nhóm, để mọi người chủ động làm việc. Nhờ đó, sau một năm thực hiện, cho đến nay các chị em tham gia chương trình đều làm tốt các khâu từ dệt vải cho đến sản xuất sản phẩm hàng hóa lưu niệm như túi, khăn, quần áo truyền thống.
Chị Lý Thị Hương, ở thôn Nậm Khánh, xã Nậm Khánh, là một thành viên cốt cán trong tổ bảo tồn nghề thổ cẩm, chia sẻ: "Mới đầu thực hiện bảo tồn và phục dựng nghề, nhiều chị em còn bỡ ngỡ vì chưa nắm rõ được nội dung mục đích. Nhưng sau khi được Hội LHPN xã tuyên truyền rõ, thì chị em đều rất nhiệt tình thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao”.
Bà Vàng Thị Nề, ở thôn Nậm Khánh, cho hay: "Nghề thổ cẩm ngày xưa thì phụ nữ người La Chí ai cũng biết làm, nhưng sau này phụ nữ trẻ không còn làm nữa. Chỉ còn một số người phụ nữ lớn tuổi như chúng tôi làm thôi. Bây giờ có cán bộ về giúp chị em làm lại, hướng dẫn nhau làm nghề truyền thống của dân tộc nên chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi cũng khuyên bảo các cháu trong thôn phải cố gắng tham gia học nghề và giữ nghề truyền thống của dân tộc mình, để sau này còn truyền lại cho các thế hệ sau nữa”.
Sau những nỗ lực phục dựng và bảo tồn nghề dệt ở xã Nậm Khánh, đến nay nghề thổ cẩm truyền thống của người La Chí đã phát triển khá đồng đều. Chị em phụ nữ đã chủ động sản xuất các loại mặt hàng thổ cẩm gia dụng, vừa để dùng trong gia đình và để chào hàng bán cho các cơ sở dịch vụ du lịch ở địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn