Lào Cai: Hiệu quả từ mô hình phát triển nghề thổ cẩm ở Tả Phìn

09:12 | 07/11/2024;
Từ hàng chục năm qua, người dân tộc Mông, Dao ở xã Tả Phìn đã hình thành mô hình Hợp tác xã thổ cẩm nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ tại địa phương rất hiệu quả.

Tả Phìn không chỉ là một địa danh du lịch nổi tiếng ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, mà còn được biết đến bởi hoạt động sản xuất hàng hóa thổ cẩm lưu niệm. Sản phẩm nơi đây rất phong phú, đa dạng, được bán rộng rãi khắp các thị trường trong và ngoài nước.

Để có sự phát triển như vậy, chính là nhờ vào mô hình Hợp tác xã (HTX) thổ cẩm tại xã Tả Phìn, được thành lập từ đầu những năm 2000. Thời điểm ấy, Hội LHPN xã Tả Phìn đã đứng ra vận động một số chị em phụ nữ người Mông, người Dao ở địa phương thành lập mô hình HTX chuyên sản xuất các mặt hàng thổ cẩm lưu niệm để quảng bá và bán sản phẩm ngay tại địa phương cho khách du lịch.

Sau hàng chục năm phát triển, các thế hệ phụ nữ nối tiếp nhau chung tay phát triển mô hình, đến nay HTX đã có tới hơn 140 xã viên, với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng, giúp chị em nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bà Lý Mẩy Pham - Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, cho biết: “Nghề thổ cẩm ở Tả Phìn hiện nay đã trở thành một trong những công việc chính để tạo ra thu nhập đều đặn hàng tháng cho hàng trăm lao động nữ tại địa phương chúng tôi. Với mô hình HTX phát triển bền vững, nắm bắt nhu cầu thị hiếu của thị trường tốt nên đơn đặt hàng rất đều đặn, đảm bảo chất lượng và giá thành, đáp ứng được thị trường. Có thể nói đây là một trong những mô hình hiệu quả nhất, đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho phụ nữ ở địa phương”.

Điều đặc biệt và rất thuận lợi ở mô hình này, đó là nhiều phụ nữ lớn tuổi, không còn đủ sức đi làm ruộng, làm nương vẫn có thể tham gia phát triển kinh tế bằng cách sản xuất hàng thổ cẩm.

Lào Cai: Hiệu quả từ mô hình phát triển nghề thổ cẩm ở Tả Phìn- Ảnh 1.

Phụ nữ người Dao Đỏ ở Tả Phìn rất chăm chỉ sản xuất thổ cẩm

Ngoài ra, công việc này có thể làm bất cứ lúc nào, ngay cả khi thời tiết không thuận lợi như mưa gió, rét đậm, rét hại, không phù hợp với sản xuất canh tác nông nghiệp, thì chị em vẫn có thể tham gia sản xuất thổ cẩm tại nhà, vẫn tạo ra nguồn thu cho gia đình.

Ông Tẩn Vần Siệu, ở thôn tà Chải, xã Tả Phìn, chia sẻ: “Nghề thổ cẩm ở địa phương xưa kia chủ yếu chị em làm để phục vụ nhu cầu trong gia đình, nhưng từ khi thành lập HTX thổ cẩm, chị em đã tham gia sản xuất thành sản phẩm hàng hóa bán cho khách du lịch, cho các cửa hàng lưu niệm ở nhiều tỉnh thành. Nó đã trở thành một ngành nghề chuyên nghiệp, tạo ra việc làm và thu nhập bền vững cho phụ nữ ở mỗi gia đình. Tôi đánh giá rất cao việc này, nó không những gìn giữ và phát huy được các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, dân tộc Dao, mà còn đem đến việc làm cho người dân rất hiệu quả”.

Để phát triển bền vững nghề thổ cẩm ở địa phương, những năm qua, Hội LHPN xã Tả Phìn thường xuyên tổ chức kết nối, quảng bá sản phẩm cho HTX một cách rộng rãi tới các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Từ đó, tạo thêm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời liên tục đổi mới mẫu mã đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các đơn vị tiêu thụ.

Lào Cai: Hiệu quả từ mô hình phát triển nghề thổ cẩm ở Tả Phìn- Ảnh 2.

HTX thổ cẩm Tả Phìn đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho chị em xã viên

Bà Dương Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách Luật pháp, Hội LHPN tỉnh Lào Cai, cho hay: “Để đảm bảo sự phát triển ổn định cho các mô hình sản xuất hàng thổ cẩm, phục vụ phát triển thành hàng hóa lưu niệm, hàng năm, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Lào Cai thường xuyên hỗ trợ bằng cách quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời kết nối các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước biết tới sản phẩm, để họ đặt hàng với các HTX, tổ hợp sản xuất thổ cẩm ở địa phương. Nhờ đó mà các mô hình này có điều kiện duy trì phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của thị trường, đem lại nguồn việc làm và thu nhập một cách ổn định”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn