Trước đó, do ảnh hưởng mưa lũ lớn từ ngày 30-31/7, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch trong tỉnh đã bị thiệt hại, sạt lở đất đá, gây ách tắc việc đi lại, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Các tuyến đường bị ảnh hưởng nặng nhất là tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn các huyện Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa.
Cụ thể, mưa lũ đã làm sạt lở Quốc lộ 4 (Km209+380, đoạn qua xã Pha Long, huyện Mường Khương) gây tắc đường; Quốc lộ 4D (tại km187+350, đoạn qua địa phận xã Thanh Bình, huyện Mường Khương). Cùng với đó, Tỉnh lộ 158 (đoạn qua xã A Lù, Y Tý) có 5 điểm sạt lở cả taluy âm và taluy dương, với khối lượng đất đá trên 300m3, gây chia cắt giao thông từ xã Trịnh Tường lên xã Y Tý.
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã của huyện Si Ma Cai, Bát Xát, Sa Pa bị sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.
Mưa lũ gây sạt lở nhiều tuyến đường dẫn đến ách tắc giao thông ở Lào Cai - Ảnh: Báo Lào Cai
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ, Công ty Cổ phần đường bộ Lào Cai, chính quyền huyện Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa triển khai máy móc, nhân lực đến các điểm sạt lở cắm biển cảnh báo, phân luồng giao thông, tập trung dọn đất, đá khắc phục mặt đường để thông tuyến.
Tính đến 15h hôm nay (31/7), hầu hết điểm sạt lở đã cơ bản được khắc phục, đảm bảo việc đi lại của người dân.
Theo dự báo, đợt mưa dông này sẽ kéo dài đến hết 1/8, có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi các địa phương như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương và ngập úng vùng trũng thấp ven sông khu vực các huyện Bảo Yên, Văn Bàn và thành phố Lào Cai… Vì vậy, người dân cần chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai để giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn