Lao động chuẩn bị xuất khẩu bị mắc kẹt vô thời hạn bởi Covid-19

12:28 | 19/03/2020;
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc đã "đóng cửa" chống dịch Covid-19. Không ít lao động đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng đóng các loại phí và chuẩn bị đi xuất khẩu lao động, bỗng chốc buộc phải dừng lại vô thời hạn…

Chị Nguyễn Thị Thoan, quê ở Vụ Bản (Nam Định), buồn bã gói ghém đồ đạc cá nhân, trả lại phòng trọ ở Đại Mỗ (Nam Từ Liêm – Hà Nội) để về quê. Thời gian qua, chị đã gom góp hết tiền tiết kiệm, vay mượn thêm người làng và cả ngân hàng để dồn tiền chuẩn đi lao động ở Đài Loan làm nghề khán hộ công gia đình. Chưa kịp bay, chị đã phải tiêu tốn cả trăm triệu đồng từ tiền đóng cho công ty đưa đi xuất khẩu lao động, tiền học phí đào tạo nghề, sách vở, tiền sinh hoạt, phòng trọ ở Hà Nội…

Chị đếm từng ngày để được bước lên máy bay, ra nước ngoài cố gắng làm lụng để có tiền gửi về trả nợ, nuôi 2 đứa con nhỏ ở quê. Giấc mơ chưa kịp thành hình thì chị nhận được thông báo của công ty là lao động đợt này chưa thể bay, và sẽ phải "hoãn vô thời hạn" vì dịch Covid-19.

Vốn xuất thân ở quê thuần nông, ít nắm được thông tin, nên chị nửa tin nửa ngờ với thông báo của công ty. Trong khi đó, số tiền chị đã nộp và số tiền lãi vẫn đang nhân lên và chị thì đang mắc kẹt giữa bộn bề những khó khăn là có thực hiển hiện ra trước mắt.

Trước ảnh hưởng dịch Covid-19, từ ngày 18/3, một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Malaysia đã ban hành những quy định mới nhằm hạn chế người nước ngoài nhập cảnh. Theo đó, lao động Việt Nam có kế hoạch xuất ngoại đi làm việc ở các nước, vùng lãnh thổ này sẽ phải tạm dừng có thời hạn hoặc vô thời hạn.

Chị Hoàng Anh, quản lý của một công ty dịch vụ cung ứng nguồn nhân lực, ở Mỹ Đình (Hà Nội), cho biết: Ngay từ sau Tết, dịch Covid-19 đã khiến cả người lao động và các công ty xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn. Mọi hoạt động đều cầm chừng, thậm chí phải dừng hẳn để nghe ngóng tình hình dịch bệnh. Đặc biệt từ khi Hà Nội xuất hiện nhiều trường hợp dương tính với Covid-19 thì các hoạt động gần như tê liệt. Trong giai đoạn này nguồn thu bị giảm sút nghiêm trọng.

Theo chị Hoàng Anh, thiệt hại lớn nhất của doanh nghiệp không chỉ là kinh tế mà còn thiệt hại về uy tín. "Ngành xuất khẩu lao động vốn được coi là nhạy cảm. Các công ty hoạt động, tồn tại chủ yếu dựa trên uy tín, niềm tin của người lao động đặt vào công ty. Khi họ mắc kẹt, không thể bay do dịch bệnh, thì họ sẽ nghĩ ngay đến việc doanh nghiệp không tốt, là lừa đảo", chị Hoàng Anh phân trần.

Với người lao động, theo chi Hoàng Anh, dịch bệnh khiến họ không bay được, phải thấp thỏm chờ đợi. Những khoản nợ đang đè nặng lên vai của người lao động. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất không chỉ là tiền bạc đã phải bỏ ra, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin và tâm lý người lao động. Họ chưa ngồi trên máy bay thì chưa thể yên tâm, và luôn lo sợ rằng mình đã bị lừa, bị mất công và tiền của mà không được đi làm theo nguyện vọng.

Lao động chuẩn bị xuất khẩu bị mắc kẹt vô thời hạn bởi Covid-19 - Ảnh 1.

Hoạt động đào tạo nghề đi xuất khẩu lao động. Ảnh minh họa

Lao động Việt Nam tạm dừng được nhập cảnh vào Đài Loan, Malaysia

Hiện nay, một số thị trường truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… đều bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã phải áp dụng biện pháp mạnh để phòng chống dịch. 

Cụ thể như: Đài Loan (Trung Quốc) cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh (trừ 1 số trường hợp đặc biệt) kể từ 0 giờ ngày 19/3. Như vậy cũng đồng nghĩa, người lao động Việt Nam có kế hoạch đi làm việc tại vùng lãnh thổ này sẽ phải tạm ngừng. Lệnh cấm nhập cảnh kéo dài vô thời hạn cho đến khi có thông báo tiếp theo của cơ quan chức năng.

Tương tự, Chính phủ Malaysia đã công bố tình trạng "đóng cửa", hạn chế người nước ngoài nhập cảnh vào nước này, có thời hạn từ ngày 18/3 đến ngày 31/3/2020.

Lao động chuẩn bị xuất khẩu bị mắc kẹt vô thời hạn bởi Covid-19 - Ảnh 2.

Lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh minh họa

Trước tình hình đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Malaysia trao đổi với đối tác về kế hoạch xuất cảnh của lao động Việt Nam để đảm bảo lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, tránh nguy cơ nhiễm dịch.

Năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 147.387 lao động (trong đó có 49.324 lao động nữ).

Trong đó, lao động đi Đài Loan: 54.480 lao động (18.287 lao động nữ); lao động đi làm việc tại Malaysia là 454 lao động (138 lao động nữ).

Đồng thời phổ biến, thông tin cho gười lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia về các quy định của chính phủ Malaysia, hướng dẫn người lao động các biện pháp phòng ngừa, tránh nhiễm vi rút Covid-19.

Đài Loan và Malaysia là những thị trường truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó phần lớn là lao động nữ làm việc ở các ngành nghề như khán hộ công (giúp việc gia đình), chế biến thực phẩm, nông nghiệp, cơ khí, chế tạo…


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn