Lao động được đào tạo nghề thấp nhưng sinh viên ra trường không kiếm được việc làm

09:13 | 10/11/2020;
Trả lời chất vấn sáng nay (10/11), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Lực lượng qua đào tạo chiếm trên 60% nhưng số lao động có "chứng chỉ đào tạo nghề" còn thấp.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10 sáng 10/11, một số đại biểu nêu thực trạng lao động được đào tạo nghề thấp, sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao. Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Những năm qua, việc bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực được quan tâm. Thực trạng tình trạng lực lượng qua đào tạo chiếm trên 60%. Tuy nhiên, số lao động có "chứng chỉ đào tạo nghề" còn thấp.

Theo ông Đào Ngọc Dung, hiện nay xu hướng các nước tập trung phát triển bao trùm và bền vững; trong đó tập trung vào 3 nội dung: Thứ nhất, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng cho người lao động. Thứ 2, tạo việc làm thỏa đáng. Thứ 3, quan tâm đến an sinh bền vững, trong đó có 2 trụ cột là BHXH, BHYT.

Mới đây, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị số 24 để tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung tranh thủ thời cơ dân số vàng; đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Để giảm thiểu những bất cập trong phát triển chất lượng nguồn lao động trong thời gian tới, ông Đào Ngọc Dung cho rằng: Bộ tiếp tục kiên trì tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội đi theo hướng phát triển lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế. Đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo nhưng có chứng chỉ trở thành một tiêu chí bắt buộc trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 -2026. Phấn đấu mỗi năm tăng bình quân khoảng 4%. Hết 5 năm, tỷ lệ lao động có chứng chỉ khoảng 40% đến 45%.

Kết nối chặt chẽ "3 nhà" trong đào tạo nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn lao động - Ảnh 1.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trả lời chất vấn. Ảnh quochoi.vn

Cùng với đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo và đào tạo lại thường xuyên lực lượng lao động. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo cho người lao động có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ thích ứng với thị trường lao động.

Bên cạnh đó, tăng cường làm tốt công tác dự báo cung cầu lao động và đào tạo theo nhu cầu của thị trường. Chỉ đạo, rà soát, sắp xếp lại quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt theo mục tiêu, theo hướng mở và chất lượng cao.

Đặc biệt, theo trưởng ngành lao động, tiếp tục tăng cường kết nối chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - Nhà Trường - Nhà doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp công nhận tuyển dụng, sử dụng lao động, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn